(TNTS) 3 năm là khoảng thời gian ân hạn cho các nhà sản xuất thực phẩm của Mỹ trước khi họ phải hoàn toàn loại bỏ loại chất béo chuyển hóa này. “Phán quyết” của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chọn năm 2018 là hạn chót cho sự tồn tại của trans fat một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ảnh minh họa: Shutterstock |
Tổ chức này dự tính để thực hiện hành động “bức tử trans fat” sẽ tốn khoảng 6 tỉ USD nhưng bù lại sẽ tiết kiếm được 140 tỉ USD trong vòng 20 năm tới trong việc chăm sóc sức khỏe và những thứ liên quan. Mọi việc bắt đầu từ năm 2006 khi FDA yêu cầu doanh nghiệp ghi rõ hàm lượng chất béo trên bao bì sản phẩm - động thái này đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất đi tới quyết định bỏ luôn trans fat. Cùng với chất béo bão hòa (saturated fat) có nguồn gốc từ thịt động vật, thịt gia cầm, hải sản, trứng, các sản phẩm sữa, mỡ heo và bơ, dầu dừa, dầu cọ và dầu của các cây miền nhiệt đới..., chất béo chuyển hóa đã tạo thành bộ đôi nguy hiểm nhất đối với trái tim con người.
Dù vài năm nay, chất béo chuyển hóa đã được hạn chế khá nhiều trong việc chế biến thực phẩm nhưng vẫn còn rất nhiều công ty, trong đó có những tên tuổi lớn, vẫn cố tình né tránh. Tạp chí Health đã không ngần ngại nêu đích danh các loại sản phẩm và các nhãn hiệu vẫn còn sử dụng loại chất bèo này để cảnh giác cho mọi người khi chọn thực phẩm hoặc khi đi nhà hàng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thái độ, suy nghĩ và sự lựa chọn của chính bạn.
1. Khoai tây chiên: Nhiều nhà hàng vẫn còn dùng dầu được hydro hóa để chế biến món này.
2. Bất kỳ món chiên nào: Thật khó đặt câu hỏi với chủ nhà hàng là có dùng dầu chứa trans fat không. Tốt nhất là hạn chế càng nhiều càng tốt.
3. Vỏ bánh nướng (bánh pa tê): McDonald’s và Burger King đã loại bỏ loại dầu này trong bánh táo của họ nhưng bạn phải luôn ghi nhớ rằng đây là loại thực phẩm mà ai cũng biết có chứa trans fat.
4. Bơ thực vật dạng thanh: Cách đây không lâu, bơ thực vật (margarine) được quảng bá là sự thay thế tốt hơn cho bơ động vật, nhưng thực chất để có được hình khối như thế thì nhiều nhãn hàng đành phải nhờ vào dầu hydro hóa.
5. Mỡ pha vào bánh cho xốp giòn (shortening): rất phổ biến.
6. Bột trộn sẵn để làm bánh ngọt và lớp vỏ (kem, đường...) trên bánh ngọt.
7. Bánh kếp và bánh quế.
8. Gà chiên.
9. Kem: nhiều vị như dừa, cherry - vani, caramel, trà xanh thường chứa khoảng 0,5 gram/khẩu phần.
10. Kem tách béo (cho vào cà phê).
11. Bắp nổ dùng trong microwave: ví dụ bắp nổ thương hiệu Pour Over Caramel chứa tối 1,5 gram/khẩu phần.
12. Bò xay.
13. Bánh cookie.
14. Bánh quy và bánh ngọt cuộn: bánh Krispy Kreme chứa tới 1 gram/khẩu phần.
15. Bánh rán: món ăn này rất cuốn hút con trẻ. Dunkin’ Donuts đã nỗ lực điều chỉnh để đa số các loại bánh của hãng đều không chứa trans fat.
16. Đồ uống chứa nhiều kem.
17. Thịt viên que nướng.
18. Bánh quy dòn: các loại bánh của Nabisco’s Premium Saltins, Stoned Wheat Thins hay Ritz đều đẩy hàm lượng trans fat xuống dưới mức 0,5 gram.
19. Các thức ăn nấu sẵn đông lạnh.
20. Mì ăn liền châu Á.
21. Ớt hộp.
22. Bánh pudding: nhiều hãng thường quảng bá là bánh được làm từ sữa tách béo như một kiểu ngụy biện cho con số 1 gram trans fat ẩn mình trong bánh.
Trans fat còn gọi là trans fatty acid, có nghĩa là a xít béo chuyển hóa, a xít béo dạng trans hay a xít béo đồng phân nhân tạo. Để bảo quản các sản phẩm được lâu, các nhà sản xuất thực hiện quá trình hydrô hóa phần (hydrogenate), nghĩa là các a xít béo chưa bão hòa được hydro hóa đã biến đổi thành một dạng mỡ mới, là a xít béo chuyển hóa hay a xít béo dạng trans (trans fat). Mỡ có trong tự nhiên (như trong thịt, sữa) và khi dầu thực vật được hydro hóa sẽ trở thành dạng cứng, ổn định và có tính “trơ”, hầu như không bị ô xy hóa nữa - chính vì vậy mà người ta dùng trans fat để kéo dài hạn bảo quản thực phẩm, giúp nó lâu bị ôi, khét... Trans fat có thể làm tăng cholesterol “xấu” (LDL) và giảm cholesterol “tốt” (HDL) góp phần khiến tỷ lệ người bị bệnh tim tăng cao.
|
Bình luận (0)