Cấm ‘đẻ’ thêm phí

09/11/2015 14:00 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên về dự thảo luật Phí, lệ phí sẽ được Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp này, TS Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, cho rằng: “Phải cấm ngay việc ban hành phí, lệ phí ngoài danh mục luật quy định”.

Trao đổi với PV Thanh Niên về dự thảo luật Phí, lệ phí sẽ được Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp này, TS Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, cho rằng: “Phải cấm ngay việc ban hành phí, lệ phí ngoài danh mục luật quy định”.


Phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sẽ chấm dứt vào 1.1.2016 - Ảnh: Diệp Đức Minh Phí sử dụng đường bộ đối với xe máy sẽ chấm dứt vào 1.1.2016 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Vẫn còn phí chồng phí
TS Cao Sĩ Kiêm
       TS Cao Sĩ Kiêm
* Dự thảo luật đã được Ủy ban Thường vụ (UBTV) tiếp thu tại kỳ họp trước và sẽ báo cáo Quốc hội (QH) cho ý kiến thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về danh mục phí thiếu cụ thể, còn chồng lấn. Quan điểm của ông như thế nào?
- Theo tôi, cơ bản dự thảo luật đã được chỉnh lý, tiếp thu rất tốt. Tuy nhiên, hiện danh mục phí và lệ phí sau sửa đổi, tiếp thu vẫn còn khá nhiều khoản có tính chất thu giống nhau. Nếu không rà soát và quy định cụ thể, đồng thời trao thẩm quyền quá rộng cho các địa phương, rất có thể lại xảy ra tình trạng các tỉnh, thành vẽ thêm các khoản thu, dẫn tới phí, lệ phí thực tế có thể lên tới hàng trăm loại. Tình trạng này đã xảy ra trước đó, khiến ngay cả Bộ Tài chính cũng không biết các địa phương có các khoản thu gì.
* Ông nghĩ sao về đề xuất bỏ một số loại phí, lệ phí?
- Dự thảo luật mới đã gọn và rõ ràng hơn, nhiều loại phí được bãi bỏ như: học phí, viện phí; phí qua đò; qua phà; phí hoa tiêu, dẫn đường; phí kiểm định phương tiện vận tải; phí đường bộ qua trạm thu BOT… (chuyển sang giá).

Cần phải bổ sung vào trong dự thảo nghiêm cấm mọi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức cá nhân đặt ra các loại phí, lệ phí. Sửa đổi các mức thu phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền quy định. Ai vi phạm phải xử lý nghiêm, thậm chí kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật

Tuy nhiên, cần phải tiếp tục rà soát, bởi còn một số loại vẫn chồng lấn nhau. Đơn cử, “Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất” nên bỏ vì đã có “Lệ phí trước bạ” cũng có tính chất thu này. Hay cũng nên bỏ “Lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên internet vì đã có “Phí cấp tên miền và địa chỉ sử dụng internet”, “Phí sử dụng kho số viễn thông” và “Phí hoạt động viễn thông”…
Nên truy cứu trách nhiệm hình sự nếu “đẻ” thêm phí
* Một số ý kiến đề nghị không chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá thị trường, quan điểm của ông ra sao?
- Chúng ta không nên cứng nhắc và lo ngại quá về việc đưa viện phí, học phí ra ngoài danh mục. Bởi thực tế, muốn xã hội hóa, thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ cho hai lĩnh vực giáo dục, y tế cần phải được tính đúng tính đủ chi phí. Tuy nhiên, khi đưa ra ngoài không được để tác động lớn đến đời sống người dân, đặc biệt nhà nước phải có cơ chế kiểm soát, định giá các dịch vụ này. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt bà con vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
* Vậy còn phí lòng đường, hè phố, ông đánh giá như thế nào về cách thu thời gian qua và đề xuất kiến nghị?
- Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố rất lớn nhằm phục vụ trông xe máy, ô tô trong khi các bãi giữ xe còn hạn chế. Người sử dụng lòng đường, hè phố phải nộp phí tạo nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, thời gian qua tại rất nhiều vỉa hè, khu phố, việc thu phí không theo quy định, người ta tự ý căng dây, đặt biển để trông xe, bán hàng rồi chặt chém người dân. Không biết các khoản đó có vào ngân sách không hay chảy vào túi của một số đối tượng trục lợi.
Do vậy, tôi đề nghị vẫn giữ lại khoản phí này, bởi đó là nguồn thu lớn nhưng phải tăng cường công tác quản lý, quy định cụ thể từng khu vực, từng tuyến phố được phép sử dụng đồng thời lòng đường, hè phố. Công tác thu phí khoản này phải đảm bảo công khai, minh bạch; tránh thu, sử dụng không đúng với quy định pháp luật, gây bức xúc cho người dân.
* Hiện nay người dân đang rất bức xúc với các trạm thu phí BOT quá dày, theo ông chúng ta có nên “thả” loại phí này ra khỏi luật?
- Để thu hút đầu tư hạ tầng, nhà nước đã có cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng qua việc thu phí các tuyến đường BOT. Tuy nhiên, các trạm thu phí BOT đang ngày một mọc lên nhiều hơn, trong khi đó người dân địa phương không có đường dân sinh thay thế, không chịu được phí cho sự di chuyển hằng ngày dẫn đến những xung đột lợi ích. Chuyển phí BOT sang giá dịch vụ theo cơ chế thị trường theo tôi là điều nên làm, bởi như thế mới khuyến khích được đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Nhưng cách quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ như thời gian vừa qua thì không được. Cần phải có quy định, cơ chế cụ thể để khắc phục ngay; phải tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm.
* Tình trạng lạm thu phí có nguyên nhân từ chế tài, xử phạt không nghiêm. Cán bộ nhũng nhiễu, địa phương đẻ thêm phí? Khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa ông?
- Phí, lệ phí là khoản thu của ngân sách nhà nước. Nộp sai, nộp thiếu hoặc không nộp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan quản lý thu phí và lệ phí. Cần phải bổ sung vào trong dự thảo nghiêm cấm mọi cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức cá nhân đặt ra các loại phí, lệ phí. Sửa đổi các mức thu phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền quy định. Ai vi phạm phải xử lý nghiêm, thậm chí kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Bãi bỏ 31 khoản phí, 73 khoản lệ phí
Tại dự thảo luật Phí, lệ phí xin ý kiến các ĐBQH, danh mục được ban hành có tổng cộng khoảng 81 loại phí và 68 lệ phí. Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của UBTV QH cho thấy, qua rà soát đã bãi bỏ được 31 khoản phí và 73 khoản lệ phí; chuyển sang giá thị trường 14 khoản phí và chuyển sang cơ chế giá dịch vụ do nhà nước định giá 31 khoản phí.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.