Một hủ tục man rợ
Vụ giết chết anh Dây chỉ là một trong số nhiều vụ nghi CĐTĐ xảy ra trong cộng đồng người H'rê ở An Lão (Bình Định) trong thời gian qua. Theo quan niệm của người H'rê, người CĐTĐ là những kẻ thường trồng cây pageng (ngải rừng), thường cúng bái và ăn… máu gà.
|
Chỉ tính từ năm 1990 trở lại đây, năm nào trên địa bàn huyện An Lão cũng xảy ra 7 - 8 vụ nghi CĐTĐ, nhiều nhất là năm 1997 với 15 vụ với 13 người bị nghi. Đây là những hiện tượng không bình thường, tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhân dân ở huyện miền núi An Lão còn nhiều khó khăn.
Tháng 12/2005, hai ông Đinh Văn Cam và Đinh Văn Coát cùng ở thôn 3, xã An Hưng (An Lão) nảy sinh mâu thuẫn từ việc tranh chấp khu đất. Tiếp đó ông Coát dọn phát đường cho thông thoáng để xe lên rẫy chở mì. Ông Cam ngăn cản bằng cách đốn hạ cây và đào mương dẫn nước cắt ngang qua đường. Lời qua tiếng lại, ông Cam thề thốt sẽ hại gia đình ông Coát. Hai ngày sau, ngẫu nhiên vợ ông Coát là Đinh Thị Lịch ngã bệnh. Ông Coát đưa vợ đi bệnh viện chữa trị. Các bác sĩ chẩn đoán chị Lịch bị viêm dạ dày và cho thuốc về nhà điều trị. Vài ngày sau, chị Lịch lại tái phát bệnh trầm trọng hơn với các triệu chứng ho ra máu, tức ngực, khó thở. Đến lúc này, qua lời xì xào của một số người, nghi ông Cam CĐTĐ hại vợ mình nên tối 26/1/2006, ông Coát vác cây đến nhà ông Cam để "hỏi tội". Dù vụ việc đã được công an và chính quyền địa phương giải quyết, hòa giải nhưng từ nghi án này, vợ chồng ông Cam đã bị bà con trong thôn nghi có CĐTĐ nên đòi đuổi khỏi làng.
Theo thống kê của Công an huyện An Lão (Bình Định), từ năm 1990 đến nay, hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy ra các vụ nghi CĐTĐ. Trong thời gian 1990-1999 có 38 người bị nghi CĐTĐ; 7/9 xã trong huyện có xảy ra nghi CĐTĐ, nhiều nhất là xã An Trung (10 người bị nghi), An Hưng (9 người), An Quang (9 người)… Trong 38 người bị nghi nói trên, có 28 nam, 10 nữ; 5 người đã chết, 1 người đi khỏi địa phương. Hiện còn sống tại địa phương 32 người, trong đó người cao tuổi nhất 90 tuổi, trẻ nhất 25 tuổi; 26 người là dân thường, 6 người là cán bộ đảng viên; có người bị nghi đi nghi lại nhiều lần. |
Trước đó, vào tháng 6/2002 tại thôn 4 cũng ở xã An Quang, ông Đinh Văn Sang bị bệnh chết. Khi đến viếng, sau vài cần rượu, bà Đinh Thị Ria trong lúc chếch choáng đã nói ông Sang chết là do bị CĐTĐ. Bất ngờ 3 tháng sau, con bà Đinh Thị Tín bị bệnh, nhớ lại bà Ria có nói đến chuyện CĐTĐ, vợ chồng bà Tín liền cho rằng "mụ Ria đã CĐTĐ" và đe dọa nếu con họ chết thì đem chôn tại nhà bà Ria đồng thời sẽ phá nhà và lấy hết lúa gạo, của cải, thậm chí đòi giết bà Ria rồi sẽ tự sát. Cũng trong thời gian đó, ông Đinh Văn Trinh có mâu thuẫn với bà Ria. Khoảng nửa tháng sau, vợ ông Trinh là Đinh Thị Nhí đau nặng nên nghi bà Ria CĐTĐ. Đến tháng 11/2002 thì vợ ông Trinh và con bà Tín cùng qua đời, mối nghi ngờ bà Ria có CĐTĐ càng nặng hơn và bà Ria phải bỏ làng qua làng khác sinh sống vì sợ bị giết chết.
Hoặc đôi khi chỉ từ một nghi vấn vu vơ nào đó mang tính chủ quan của một hai người cũng có thể lôi kéo số đông đồng tình và chẳng bao lâu sau cả cộng đồng vào cuộc. Vụ Đinh Thị Gây là một ví dụ. Thị Gây (ở tổ 3 xã An Quang, An Lão) là một phụ nữ nghiện rượu và hễ rượu vào là thị lại có "cái thú" hăm dọa người khác làm nhiều người nghi ngờ Gây là kẻ CĐTĐ.
Cuối năm 1999, vợ chồng nhà Đinh Thị Tiệm (chị chồng của Gây) tổ chức ăn mừng lúa rẫy. Đến khuya, sau khi đã uống rượu ở đâu đó mà chưa đã thèm, Gây đến nhà của vợ chồng Tiệm đòi uống rượu mừng. Vợ chồng Tiệm nói tiệc mừng đã tan và rượu cũng đã hết. Cho là vợ chồng Tiệm muốn xua đuổi mình, Gây vừa chửi, vừa hăm dọa: "Vợ chồng mày chết đi, tao sẽ cho làng này một con bò to, mười lít rượu ngon để uống rượu."
Ác một nỗi, ít lâu sau, chị Tiệm bỗng dưng bị đau bụng, bụng chướng rất to, không đi lại được. Nhớ lại lời hăm dọa của thị Gây và do trước đó, có một số người trong làng như Đinh Thị Riu, Đinh Thị Rum, Đinh Văn Rôm, Đinh Văn Cung… sau khi có xích mích với Gây cũng bị đau ốm. Tiệm liền "hệ thống" lại và quả quyết Gây là kẻ CĐTĐ.
Ý kiến của Tiệm đưa ra được dân làng đồng tình và họ quyết định đuổi Gây ra khỏi làng, quyết định này được thông báo cho chính quyền xã hẳn hoi. May mắn cho Gây là Công an huyện, UBND xã đã kịp thời tổ chức hòa giải nên thị Gây mới thoát được cái án CĐTĐ.
Hậu quả của các vụ nghi CĐTĐ đã gây ra nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, pháp luật đã bị vô hiệu hóa trong nhiều vụ việc. Trở lại với vụ Đinh Văn Dây. Dân Gò Mít (An Trung - An Lão) nghi anh Đinh Văn Dây là kẻ CĐTĐ với lý do: anh Dây có lời nói và hành động, việc làm không giống người trong làng. Tại đám cưới ở nhà anh Đinh Văn Đẻ, nhiều người đòi giết Dây ngay lập tức. Để chứng tỏ mình không hề bao che con ma dù đó có là người thân của mình, Đinh Văn Nghĩa - anh vợ của Dây, đã vác dao phay đâm chết Dây ngay tại tiệc cưới. Cả làng Gò Mít cho rằng Nghĩa thừa lệnh của làng và quyết bảo vệ Nghĩa, họ tuyên bố nếu xử tù Nghĩa thì cả làng chịu tù thay (?).
Giải thích việc vì sao lại giết anh Dây, Nghĩa bình thản nói: "Nó là đứa xấu. Tao đâm nó để nó không hại được người làng nữa".
Làm gì để xóa bỏ?
Đồng bào H'rê ở An Lão (Bình Định) là cộng đồng người dân tộc thiểu số có lịch sử văn hóa lâu đời, tổng cộng hơn 7000 dân, sống tập trung thành từng làng tương đối độc lập về địa lý và lưu giữ được nhiều nét cổ truyền của văn hóa làng xã Việt Nam như: tính tự trị, tính cộng đồng…; đặc điểm này quy định tính cách tâm lý rất rõ nét của người H'rê là thẳng thắn, bộc trực, trọng tín nghĩa, tự cao nhưng cũng rất tự ti.
Theo Văn hóa các dân tộc thiểu số Bình Định (NXB Thuận Hóa –2000), người H'rê có số lượng người tương đối đông, xếp thứ 19 về mặt dân số trong danh mục thành phần các dân tộc ở Việt Nam. Người H'rê chủ yếu sống ở miền Tây tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay, người H'rê có mặt ở 4 địa phương: Quảng Ngãi (trên 90.000 người), Bình Định (trên 7.000), Gia Lai (trên 400) và Thuận Hải cũ (trên 100). So với các dân tộc khác ở Việt Nam, quá trình cố kết tộc người diễn ra ở người H'rê rất sớm và rất mạnh. Người H'rê coi miền Tây Bình Định và Tây Quảng Ngãi là vùng đất mà tổ tiên họ đã khai phá từ xưa. Bên cạnh việc canh tác nương rẫy, từ rất sớm người H'rê đã biết canh tác lúa nước theo phương pháp "dẫn thủy nhập điền". Trong các tiểu gia đình, tính phụ hệ được thể hiện rất rõ qua vai trò quan trọng của người đàn ông, còn vị thế của người phụ nữ trong xã hội rất thấp. |
Già làng Đinh Văn Đến, trú ở tổ 9 xã An Hưng, người đã tham gia hòa giải nhiều vụ nghi CĐTĐ nói: "Khó lắm. CĐTĐ là một tập tục lạc hậu, nó ăn sâu trong bụng của đồng bào H'rê mình. Khi cán bộ tưởng nó đã chết thật ra nó vẫn còn âm ỉ. Mà khi đã có nhiều người tham gia thì ngay cả già làng, trưởng bản cũng khó lòng can ngăn, vì lúc này số phận người bị nghi đã được quyết định bằng số đông người làng. Có vụ kéo dài từ năm này sang năm khác, cắt máu ăn thề 2 - 3 lần rồi lại nghi tiếp."
Đến nay, phương pháp phổ biến để các cơ quan có chức năng giải quyết những vụ nghi kỵ CĐTĐ vẫn chỉ là kiểm điểm người bị nghi, vận động hòa giải, ăn thề theo phong tục của người H'rê. Cách xử lý như vậy chỉ là giải pháp tình thế nên không ít vụ cứ tái đi tái lại một cách dai dẳng. Trước tình hình phức tạp của tệ nghi CĐTĐ, Công an huyện An Lão đã xây dựng đề án "Về việc ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ cơ bản tệ nạn CĐTĐ trong cộng đồng H'rê ở An Lão". Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh. Nhưng theo chúng tôi, để xóa bỏ hoàn toàn được tệ nghi CĐTĐ, ngoài sự tham gia tích cực của các ngành chức năng, nhất thiết phải có sự tham gia của các nhà khoa học. Bởi như đã nói ở trên, đây là một hiện tượng xã hội, một tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người Hrê, do đó, có nghiên cứu vấn đề trên nhiều phương diện: xã hội, văn hóa tộc người, đời sống tâm lý… thì mới hy vọng đề ra được những giải pháp ngăn chặn hiệu quả nhất.
Huỳnh Thúc Giáp
Bình luận (0)