Có mặt tại cổng các trường THPT Lê Văn Hưu, Trường THPT Dương Đình Nghệ, Trung tâm GDTX huyện Thiệu Hóa trong vai người chị có em trai bị vỡ nợ do vay nặng lãi, chúng tôi được nhiều học sinh đi học hè kể cho nghe chuyện vay nặng lãi để đánh lô đề. Một học sinh lớp 12 tên là Trịnh Xuân Nam cho biết: “Em chơi 3 tháng rồi mà chưa bị “vỡ”, do là em chơi “khôn”, chứ bọn kia dại lắm, vừa chơi đã “vỡ”, bố mẹ phải mang tiền lên trả ngay, không sẽ bị các chủ nợ cho ăn đòn”. Theo Nam, lớp nào cũng có hàng chục bạn đi vay lãi nặng lấy tiền ăn chơi, nhất là học sinh lớp 12.
|
Nam cho biết thêm, để có tiền chơi bời, chứng tỏ mình là bậc đàn anh và cũng vì gia đình có điều kiện, cậu từng cắm 2 chiếc điện thoại và 10 xe đạp để lấy 30 triệu đồng với lãi suất 1 triệu đồng/ngày. Em Hoàng Huy Đạt, một học sinh lớp 12 khác cho biết: “Thủ tục vay tiền rất đơn giản, chỉ cần một tờ giấy viết tay có thể vay tới 5 triệu đồng”. Tuy nhiên nếu không nộp tiền đúng hạn với lãi suất “trên trời” thì các chủ nợ sẵn sàng cho bọn đàn em “hỏi thăm” con nợ. Đạt từng bị chủ một hiệu cầm đồ trá hình dọa nạt ngay ngày thi tốt nghiệp THPT vừa qua, khiến cậu phải gọi điện về gia đình mang tiền lên chuộc. Tương tự, học sinh Phạm Văn Thắng cắm một chiếc điện thoại Nokia 1202, một tuần quá hạn không đi chuộc đã bị chủ nợ lôi vào để cho vài cái… tát và bắt trả số tiền gấp đôi là 400.000 đồng.
Chúng tôi đến hiệu cầm đồ Quang Lượng ở ngã ba Chè, xã Thiệu Đô, H. Thiệu Hóa. Gọi là hiệu cầm đồ nhưng bên trong rỗng không. Chủ hiệu là một thanh niên tóc vàng, tay đeo nhẫn quá khổ trông rất “anh chị” bước ra. Trò chuyện một hồi, anh ta nói: “Bọn anh treo biển dịch vụ cầm đồ nhưng chỉ cho vay lãi là chính, hơi đâu mà cầm đồ”, người này cho biết, chỉ cần xem chứng minh thư và viết tay giấy vay nợ là đủ, yên tâm không khó khăn gì vì đã “làm luật” đầy đủ rồi.
Theo khảo sát của chúng tôi, các cửa hiệu cầm đồ trá hình đang mọc lên nhan nhản ở huyện này. Riêng khu vực trung tâm huyện Thiệu Hóa có trên 20 hiệu, trong đó hơn 10 hiệu ở gần các trường cấp 3 và chủ yếu cho học sinh vay với lãi suất cắt cổ. Chiêu thức của các cửa hiệu này là núp dưới bóng “dịch vụ cầm đồ lãi suất thấp” nhưng cho vay lãi suất cao như đã nói ở trên...
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Hoàng Minh Thi, Phó trưởng Công an huyện Thiệu Hóa cho biết: “Kinh doanh cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để đảm bảo an ninh trật tự, chủ hiệu cầm đồ ngoài việc được cấp giấy phép kinh doanh còn phải được cấp giấy phép của cơ quan quản lý an ninh trật tự. Theo đó, chủ hiệu cầm đồ phải có lý lịch rõ ràng, thực hiện cầm cố đồ đạc, tài sản phải theo quy định của pháp luật, cho vay nặng lãi quá quy định của nhà nước là phạm pháp. Tuy nhiên, có thể vì lợi nhuận, một số cửa hiệu có thể sẽ lách luật”.
Thừa nhận những tệ nạn phát sinh trong học sinh trên địa bàn, liên quan đến việc cho vay nặng lãi kể trên, ông Thi cũng bức xúc: “Học sinh chưa làm ra tiền mà vay nợ thì có thể sẽ phải trả nợ quá hạn, việc này sẽ khiến gia đình phải trả nợ hoặc chính các em sẽ sa vào trộm cắp, lô đề và lấn vào các tệ nạn xã hội, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”. Được biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của báo Thanh Niên, hiện hai tổ công tác của công an huyện Thiệu Hóa đang đi kiểm tra tất cả các hiệu cầm đồ ở cả 31 xã, thị trấn trong huyện để chấn chỉnh tình trạng này.
Hoàng Loan
Bình luận (0)