Sự kiện Nguyễn Hà Đông gỡ bỏ trò chơi Flappy Bird trên hai kho nội dung App Store và CH Play không chỉ khiến nhiều người VN mà cả truyền thông quốc tế cũng tiếc nuối. Tuy nhiên, dù nguyên nhân gì và tương lai của Flappy Bird thế nào, thành công của chàng trai Nguyễn Hà Đông vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều bạn trẻ Việt.
Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, các bạn trẻ rôm rả thảo luận với niềm tin mạnh mẽ rằng: không gì là không có thể. Niềm tin đó chắc chắn càng làm tăng thêm nhiệt huyết sáng tạo.
Nhiều năm qua, chính sự sáng tạo đã làm động lực cho sự phát triển của thế giới, viết nên không ít câu chuyện thần kỳ như: Apple, Facebook, Google, Microsoft… Về mặt kinh tế vĩ mô lẫn vi mô, những thành tựu nhờ vào sự sáng tạo, chứ chẳng phải đầu cơ hay lũng đoạn, mới đem đến sự tăng trưởng thần kỳ nhưng không ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro. Bằng chứng là giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Facebook vẫn đạt giá trị thị trường xấp xỉ 100 tỉ USD khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Xét ở tầm mức quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới vẫn luôn khẳng định đất nước nào có sự nở rộ về sáng tạo thì chắc chắn đạt mức phát triển đáng nể để viết nên những kỳ tích. Mỹ, Nhật Bản, Israel hay Singapore… đã chứng minh điều đó.
Tuy nhiên, sáng tạo chỉ thăng hoa, đưa đất nước phát triển khi môi trường chính sách đủ cởi mở để khuyến khích sáng tạo, chứ đừng dựa vào những nỗ lực duy ý chí. Trả lời tác giả Kim Hạnh, ông Saul Singer - đồng tác giả cuốn Quốc gia khởi nghiệp nói về sự thành công của Israel - đã nói: “Chính phủ thường ban hành chính sách theo chiều từ trên xuống, còn khởi nghiệp và sáng tạo thường từ doanh nghiệp, từ cuộc sống, từ dưới lên. Chính phủ mà không hành động, không thực tâm ủng hộ sáng tạo thì không ai gây khó khăn cho đất nước hiệu quả bằng họ” (Thanh Niên ngày 7.2.2014).
Vì thế, cần có một chính sách hướng đến khuyến khích sáng tạo, nhưng đừng rập khuôn, gò ép, phong trào. Chính sách đó cần bắt đầu từ nền tảng giáo dục, có sự “cởi trói” để học sinh, sinh viên tăng cường khả năng tư duy, tìm tòi, loại bỏ triệt để tình trạng học vẹt. Các bạn trẻ cũng cần được trang bị cả những kỹ năng sống thực tế để sẵn sàng đối mặt những thách thức trong cuộc sống, biết cách hiện thực hóa sáng tạo trở thành thành công, làm giàu chân chính cho bản thân. Những quỹ hỗ trợ giới trẻ cũng cần hướng đến các vấn đề thiết thực hơn để phát triển nghề nghiệp, chứ đừng dừng lại ở mức hoạt động theo phong trào.
Có như thế, sự sáng tạo mới thực sự bùng nổ, mỗi thành quả đều có thể trở thành một nền tảng khởi nghiệp. Khi đó, VN có thể có nhiều hơn nữa những thành công như Nguyễn Hà Đông đạt được.
Ngô Minh Trí
>> Nintendo khẳng định không kiện tác giả Flappy Bird
>> Gỡ bỏ Flappy Bird: Nguyễn Hà Đông và 'cuộc chơi' chính mình
>> Cha đẻ Flappy Bird, một nạn nhân của sự đố kỵ?
Bình luận (0)