Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn điện tử trong thực hiện các giao dịch mua bán vàng.
Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Đánh giá cao vai trò của việc thanh toán không dùng tiền mặt trong phòng, chống rửa tiền, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ định hướng hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng.
Lý do ông Hiếu đưa ra là, những giao dịch qua ngân hàng sẽ sàng lọc, đặc biệt giúp hoạt động phòng, chống rửa tiền tốt hơn. Theo ông Hiếu, không chỉ áp dụng cho vàng miếng, việc thanh toán không dùng tiền mặt nên áp dụng cho cả các giao dịch vàng khác.
Ngược lại, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh lại cho rằng đề xuất của Tổng cục Thuế không khả thi.
Theo số liệu của ngành thuế, đến nay cả nước có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Ông Khánh ước tính, con số này chiếm đến 80 - 90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng, bạc. Điều này cho thấy, ngành thuế đã bước đầu kiểm soát được các đơn vị kinh doanh.
Giá vàng SJC tiếp tục tăng vọt, cán mốc 86,5 triệu đồng:lượng
Nếu áp dụng việc cấm thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng, theo ông Khánh, không phải doanh nghiệp, người tiêu dùng mới là đối tượng phản ứng đầu tiên.
"Khách hàng mua số lượng vàng lớn thì có thể áp dụng, nhưng nếu chỉ mua nhỏ lẻ như vàng nữ trang, vàng chỉ sẽ khó thực hiện, bởi không phải ai cũng có tài khoản. Đáng chú ý, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn", ông Khánh phân tích thêm.
Vị này đặt vấn đề, thực tế đến nay chưa có ngành kinh doanh nào áp dụng hoàn toàn quy định thanh toán không dùng tiền mặt. "Nếu hiện thực hóa đề nghị này với ngành vàng thì còn siết hơn cả quy định tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng", ông Khánh nói.
Khẳng định đề xuất của ngành thuế rất tốt, minh bạch, song chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, để thực hiện rất khó, tính khả thi thấp. Lý do, không phải 100% người mua vàng đều mua số lượng lớn để đầu tư.
Theo ông Long, hiện các đối tượng mua vàng tại Việt Nam khá phong phú. Có nhiều người là người già, người dân ở vùng nông thôn, mua vàng số lượng nhỏ từ 0,5 đến một vài chỉ vàng. Đây đều là những đối tượng thường không hiểu biết về công nghệ, không có điện thoại thông minh để giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản.
Theo quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền hiện hành, các giao dịch trên 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Xuất phát từ quy định này, một số ý kiến cho rằng, nếu muốn áp dụng quy định cấm mua bán vàng bằng tiền mặt thì cũng cần đưa ra hạn mức cụ thể. Ví dụ, quy định các giao dịch vàng từ 200 triệu đồng trở lên sẽ cấm thanh toán bằng tiền mặt thì tính khả thi sẽ cao hơn, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Cạnh đó, nếu thực sự nghiên cứu tiến tới hiện thực hóa đề xuất của ngành thuế thì cần có khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng hơn; có thể triển khai thí điểm trước khi thực thi trên diện rộng. Điều này nhằm tránh những bất cập trong quá trình thực thi.
Theo Tổng cục Thuế, từ ngày 15.12.2022, ngành thuế chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Sau hơn 1 năm triển khai, trên toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Bình luận (0)