Cẩm nang cho tân sinh viên

Đầu năm học, rất nhiều tân sinh viên gặp phải những khó khăn như chưa biết phương pháp học tốt, đối mặt với nhiều cạm bẫy ở thành phố lớn... Thanh Niên xin chia sẻ kinh nghiệm giúp các bạn thích nghi với môi trường mới...

Cẩn trọng với việc làm thêm
Với những khó khăn trong cuộc sống, cũng như hoàn cảnh gia đình đã khiến nhiều sinh viên (SV) phải sớm lao vào công việc làm thêm.
Bỡ ngỡ, thiếu hiểu biết trước những cạm bẫy nơi đất khách quê người, nhiều SV dễ “sẩy chân” bởi những công việc đa cấp, phát tờ rơi, dán quảng cáo nhận tiền liền, hay một số việc làm bán thời gian được chào mời là nhẹ nhàng, lương cao... Không ít SV lao đao vì bị lừa tiền, thậm chí dính vào những công việc vi phạm pháp luật.
Trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những thông tin đăng tuyển như: “Tuyển nhân viên phát tờ rơi tại các ngã tư ở Bình Thạnh, lương 100.000 đồng/2 giờ. Lương nhận liền”. Tuy nhiên, ít người biết đây là công việc không được pháp luật cho phép.
N.N.H, tân SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhiều lần phát tờ rơi tại ngã tư Thủ Đức, cho biết vào TP.HCM từ giữa tháng 8 và làm nhận phát tờ rơi hằng tuần, được trả thù lao 120.000 đồng/3 giờ.
Khi được hỏi có biết hành vi phát tờ rơi nơi công cộng là vi phạm hành chính về lĩnh vực quảng cáo, sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng không?, H. ngơ ngác: “Ủa, có bị phạt hả anh. Em thấy người ta cũng phát nhiều, bạn em cũng phát nhiều rồi mà có bị phạt đâu”.
Còn Dương Văn Toàn, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thì kể: “Mình hay đi dán quảng cáo lên các cột điện. Công việc đơn giản nhưng được nhiều tiền hơn so với việc khác. Cũng nghe nhiều đứa bạn nói dán quảng cáo sẽ bị phạt, nhưng mình cần tiền nên vẫn làm.
Cho đến một lần, lúc khoảng 10 giờ đêm, mình mang cả xấp giấy và hồ đi dán ở tường nhà, cột điện. Vừa dán được 2 tờ, mấy anh công an tuần tra bắt gặp, đưa về đồn. Anh này nói phạt cả chục triệu đồng, anh kia nói sẽ bắt nhốt làm mình sợ tái xanh mặt mày. Nhưng may sao, thấy mình thật thà và thiếu hiểu biết nên các anh tha cho. Từ đó mình không dám làm công việc đó nữa”.
Không chỉ có những công việc làm thêm trái quy định pháp luật, một số trang mạng dùng chiêu trò “đóng phí giới thiệu” khiến nhiều SV đã không có việc làm lại còn mất tiền. Nguyễn Hoài Nam, SV Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, bức xúc: “Mình tìm việc làm thêm trên các trang mạng và theo giới thiệu mình đến một địa chỉ ở Q.Bình Thạnh. Tại đây, người ta yêu cầu đóng 300.000 đồng rồi sẽ giới thiệu cho công việc tại chuỗi cà phê. Đóng tiền rồi, đợi mãi không thấy gọi nên mình quay lại địa chỉ ấy. Nhân viên ở đây lấy lý do cũ mèm là chỗ đó hết nhận người, nên chuyển qua công việc ở Q.Tân Bình, mà mình thì ở trọ tại Q.2, nên ngậm ngùi bỏ số tiền đó luôn”.
Nam chia sẻ kinh nghiệm: “Khi muốn làm thêm phải tìm hiểu cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh rơi vào trường hợp tiền mất tật mang. Các tân sinh viên nên đến những nơi có uy tín như: trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên; văn phòng Đoàn trường, hay trung tâm giới thiệu việc làm của các sở LĐ-TB-XH…”.
Vượt qua nỗi nhớ nhà
Trò chuyện với nhiều tân SV, ai nấy đều có chung lời than thở: “Nhớ nhà lắm”. Nguyễn Quốc Anh, SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, chia sẻ: “Vì lần đầu tiên đặt chân đến TP nên mọi thứ đều thấy rất lạ lẫm. Ở được vài ngày mình cảm thấy nhớ nhà vô cùng. Mà nhớ nhà là buồn thiu, không làm được gì hết, dễ sinh bệnh trầm cảm”.
Theo thạc sĩ giáo dục, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), giai đoạn này các SV mới sẽ gặp nhiều khó khăn trong môi trường hoàn toàn mới. Sự khác biệt lớn trong phương thức học tập giữa môi trường đại học và phổ thông, sự xa lạ của bạn bè và việc sống chung với người khác… tất cả tạo ra khó khăn nhiều hơn là sự háo hức. Khi khó khăn càng nhiều, các SV lại càng nhớ nhà, nhớ gia đình và mong muốn trở về nhiều hơn.
Khi nhớ nhà, các bạn thường có tâm trạng buồn chán, thường hay khóc, gọi điện thoại về nhà liên tục và có thể tự tách biệt mình với bạn bè. Điều này không những ảnh hưởng đến việc học tập và khả năng thích ứng trong môi trường mới mà còn khiến cho gia đình cảm thấy lo lắng, bất an.
Chính vì thế, bà Thảo khuyên SV phải tháo gỡ từng khó khăn mà mình đang mắc phải khi đến với môi trường mới, lập kế hoạch rõ ràng thực hiện những mục tiêu ngắn và dài hạn. Ngoài ra, “không biết phải làm gì” là một trong những nguyên nhân gây hoang mang và chán nản, dẫn đến việc thêm nhớ nhà. Chỉ khi nào các bạn có nhiều hoạt động cần chinh phục, nhiều bạn bè và nhiều niềm vui thì mới có thể tập trung học tập và cảm giác nhớ nhà sẽ vơi đi.
“Hãy lên kế hoạch cho những khóa học ngoài chương trình ở trường, tham gia các câu lạc bộ, đội - nhóm và cả việc mở rộng mối quan hệ của mình trong môi trường đại học. Nếu cảm thấy chưa quen, hãy kết nối mới những người bạn cùng quê học ở trường, sau đó đến làm quen với các bạn mới… để sớm lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống xa nhà”, thạc sĩ Thảo khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.