Cẩm nang du lịch đầu thế kỷ 20

03/05/2017 06:38 GMT+7

Chưa đến mức là nguồn sử liệu, tư liệu dân tộc học dồi dào, song Hà Nội chỉ nam được đánh giá như một cẩm nang du lịch kỹ càng thời đầu thế kỷ 20.

Từ giá vé ghế nệm đến mang vũ khí lên tàu
Hà Nội bây giờ không còn những tuyến tàu điện nữa, nhưng hình dung về nó qua cuốn Hà Nội chỉ nam in năm 1923 vẫn rõ vô cùng. Sách liệt kê 4 tuyến tàu trong thành phố, cùng xuất phát từ Bờ Hồ nhưng có các hướng khác nhau. Sách ghi: “Giá tiền đi một đường thì hạng ngồi nệm da 4 xu; ngoài (không nệm - PV) 3 xu, trẻ con từ 3 - 7 tuổi 2 xu. Đi hai đường thì hạng ngồi nệm da 7 xu; ngoài 5 xu, trẻ con từ 3 - 7 tuổi 3 xu… Sở Tàu điện còn bán một thứ vé đi hằng tháng, tùy ý chọn loại đi 2 đường hay 4 đường”.
Cuốn sách Hà Nội chỉ nam của tác giả Nguyễn Bá Chính này giờ đây được Nhã Nam và NXB Hà Nội in lại với đầy đủ những thông tin về tàu điện, đường sắt, đường bộ, nhà hàng, khách sạn, hiệu thuốc, tiệm thêu may… thời đó như thế. Những thông tin này không chỉ đầy đủ mà còn… có định hướng. “Quyển sách này mới, là vì viết bằng chữ quốc ngữ, mà để riêng cho người mình xem, hoặc muốn du lịch, hoặc muốn doanh nghiệp, tụ họp đi lại mỗi ngày một đông ở cái thành phố tốt đẹp này, nay mai sẽ thành ra một nơi thị trường lớn”, người làm sách chia sẻ hồi năm 1923.
Để định hướng thị trường, du lịch như thế, bên cạnh giá tàu điện, sách cũng có cả bảng ghi khoảng cách từ Tòa đốc lý Hà Nội tới các tỉnh. Các tuyến xe lửa cũng được hướng dẫn cách đi, cách mua vé. Với tuyến đường xe lửa Hà Nội đến Vân Nam (Trung Quốc), thủ tục làm giấy thông hành cho cả người Pháp lẫn người bản xứ cũng được hướng dẫn cụ thể. Họ phải nộp đơn trước 3 ngày ra sao, nếu không có giấy thông hành của quan phó lãnh sự Pháp tại Hà Khẩu phát cho thì không thể đi được sang Vân Nam. Thậm chí sách còn có hướng dẫn cả việc mang vũ khí: “Hành khách, nếu có đem theo súng đạn thì phải trình quan lãnh sự ngay khi mình xin giấy thông hành và sự đem súng đạn vào đất Vân Nam phải có giấy phép riêng của quan Tàu cho mới được”.
“Những thông tin như vậy nếu gọi là một tư liệu nhân học thì hơi to tát quá, đó chỉ là cách hướng dẫn hành chính, cẩm nang du lịch. Tại tư liệu của Trung tâm lưu trữ I cũng có những hồ sơ tư liệu kỹ hơn. Nhưng quay trở lại với cách làm, một cẩm nang du lịch vào thời đó như thế là rất cụ thể. Việc hướng dẫn di chuyển được làm đầy đủ, khoảng cách, cách thức. Một cẩm nang để di chuyển tới vùng đất mới như thế là kỹ. Cái đó như một cuốn sổ tay tra cứu tiện lợi cho người Pháp khi người ta sang đây, khi đó không chỉ là xâm lược mà còn có nhiều người muốn tìm hiểu khoa học, đất nước”, PGS-TS Phan Phương Thảo, Khoa Lịch sử, ĐH KHXH-NV Hà Nội, nhận xét.
Bìa cuốn sách Hà Nội chỉ nam được Nhã Nam và NXB Hà Nội in lại
Đánh thức tour tuyến du lịch Hà Nội
Là “cẩm nang di chuyển” như bà Thảo đánh giá, Hà Nội chỉ nam đã sớm thiết kế những tour tuyến du lịch rõ ràng. Sách phân loại rõ các điểm đến danh thắng của Hà Nội, ngoại thành và xa Hà Nội. Những điểm đến đều có chú thích khá kỹ lưỡng.
Chẳng hạn, cùng với số ghế, diện tích, Nhà hát Lớn được thuyết minh: “Đứng đầu phố Tràng Tiền trông thẳng xuống, thấy có một tòa nhà nguy nga đột ngột, ấy là Nhà hát Tây (Théâtre Municipal). Nhà hát Tây làm từ năm 1901, nguyên là đất một cái hồ xưa, cho nên khi làm phải đóng xuống 3 vạn rưỡi cái cọc, và đổ xi măng cùng đá sỏi xuống dày tới 90 phân Tây (90 cm - PV)”.
Sách cũng giải thích cả chi tiết chẳng hạn trong đền Trấn Vũ vì sao bức tượng Huyền thiên Trấn Vũ lại phủ áo vàng: “Toàn bằng đồng đen cả, cho nên ta có khi vẫn gọi là ông Thánh đồng đen. Tượng có phủ áo vàng, là áo của vua Thiệu Trị ra chơi Bắc thành, ban thưởng cho vậy… Đền tuy có lai lịch cổ, nhưng nhà cửa và cây cối thì cũng mới sửa sang lại gần đây, không phải nguyên như thuở trước”. Điều này càng thú vị khi hiện nay tại đền Quán Thánh bức tượng không còn được phủ áo vàng nữa. Trong khi đó, theo bà Phạm Thanh Hường, chuyên gia phát triển văn hóa của UNESCO, việc bổ sung thông tin như thế này sẽ giúp xây dựng thuyết minh hướng dẫn du lịch tốt hơn.
Thông tin về hồ Hoàn Kiếm cũng nêu rõ do nhà Lê dùng làm nơi luyện thủy quân nên hồ từng có tên hồ Thủy quân. Sau đó, vì tích vua Lê Thái Tổ trả kiếm mới thành tên Hoàn Kiếm. Thậm chí, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội còn cho rằng sắp tới sẽ xem xét bổ sung bảng chỉ dẫn tại hồ (hiện chưa có) để người dân và khách có thể hiểu rõ hơn về địa điểm này.
Mục Đi quanh ngoài thành phố kết nối Hà Nội với Hà Đông. Hà Đông được giới thiệu với Thái Hà ấp, ấp của quận công Hoàng Cao Khải, trong đó có dinh của ông, trước cửa có cây tháp bằng đá. Vào mãi trong có sinh phần của ông, xây bằng đá rất đẹp. Phố Thái Hà là nơi các cô đào tập trung như là xóm bình khang, sách đề cập. Còn các danh thắng ngoài Hà Nội, sách hướng dẫn về: Cổ Loa, Phù Đổng, Đình Bảng, Chùa Thầy, núi Tản Viên, đền Kiếp Bạc, chùa Tam Thanh.
Các dịch vụ khác như chụp ảnh, ăn uống, lưu trú cũng được nêu rõ trong sách. Các hàng hóa có thể làm quà tặng cũng có danh sách đầy đủ tên địa chỉ: các nhà bán đồ thêu và đăng ten, các nhà bán đồ da, nhà làm đồ ngà và đồi mồi, hiệu làm giày, hiệu bán đồ vàng bạc, các hàng bán vải, các nhà bán tơ lụa...
Ở mục Các hàng cơm và phòng trọ, tác giả chia thành các tiểu mục như: của Tây, của Tàu, của Ta để giới thiệu nhà hàng và một tiểu mục khác là các phòng trọ. Phần Hàng cơm của Tây có tên khách sạn và số điện thoại, đứng đầu là Hôtel Métropole. Theo tác giả, ông chỉ chọn đưa vào các hàng cơm lớn, vừa khéo vừa hợp vệ sinh. Các hàng ăn khác cũng còn nhiều nhưng không đưa vào vì kém sạch sẽ hoặc chưa ngon.
Sẽ xuất bản cẩm nang hướng dẫn du lịch
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết Sở cũng đang xúc tiến làm một cuốn sách tương tự để hướng dẫn du lịch đại chúng, trong đó sẽ có các danh mục tương tự như điểm đến, loại hình ẩm thực, nơi lưu trú. Các điểm lưu trú sẽ chia thành các loại hình 5, 4, 3 sao hay homestay, căn hộ. Sách cũng sẽ có các điểm biểu diễn nghệ thuật. Dự kiến trong năm nay sẽ xuất bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.