Cẩm nang tuyển sinh của Báo Thanh Niên sẽ phát hành trong tuần này

06/02/2017 05:09 GMT+7

Không chỉ là những thông tin liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, Cẩm nang tuyển sinh của Báo Thanh Niên còn là một tập hợp những kỹ năng cần thiết cho một thí sinh từ lúc chuẩn bị thi đến khi trở thành sinh viên, tốt nghiệp ra trường.

Kỹ năng học và thi trắc nghiệm khách quan
Năm nay, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với hầu hết các môn thi (trừ ngữ văn). Với các thí sinh (TS), đây là điểm đổi mới đáng lưu ý nhất trong kỳ thi năm nay. Vì vậy, Cẩm nang tuyển sinh dành một phần nội dung đáng kể hướng dẫn, tư vấn TS cách học và thi trắc nghiệm đạt hiệu quả cao.
Viết cho Cẩm nang tuyển sinh của Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Lịch, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận định: “Thi trắc nghiệm chỉ dễ “ăn” điểm ở một mức độ nào đó và tránh cho TS không bị điểm liệt. Còn điểm cao đến mức độ nào thì phụ thuộc rất lớn vào sự chú ý đầu tư việc học trong năm và kỹ năng làm bài của TS. Thi trắc nghiệm cần sự chính xác, nó hoàn toàn không thích hợp cho TS học qua loa, ưa “chém gió”. Sự hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về hình thức thi trắc nghiệm sẽ giúp TS vượt qua kỳ thi THPT quốc gia sắp tới được tốt”.

tin liên quan

Tích hợp nhiều tiện ích trong một cẩm nang
Năm nay, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan với hầu hết các môn thi (trừ ngữ văn). Với các thí sinh (TS), đây là điểm đổi mới đáng lưu ý nhất trong kỳ thi năm nay.

Đặc biệt, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, tiến sĩ Sái Công Hồng dành riêng cho Cẩm nang tuyển sinh của Thanh Niên một cuộc trao đổi chi tiết, cặn kẽ về một số lưu ý khi TS ôn tập và làm bài thi trắc nghiệm khách quan.
Các chuyên gia khác từ các trường ĐH đến trường phổ thông đều chỉ ra những lời khuyên hữu ích và thiết thực. Trong đó có những chi tiết bất ngờ như chỉ nên sử dụng bút chì 2B vỏ gỗ để tô đáp án nhanh hơn. TS cũng không nên sử dụng gôm (tẩy) cùng bút chì vì sẽ mất thêm nhiều giây để thực hiện động tác quay đầu bút hơn việc sử dụng độc lập bút và gôm...
Các giáo viên, chuyên gia từng môn cũng hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cách ôn tập và thi theo phương pháp trắc nghiệm. Chẳng hạn, ở môn tiếng Anh, phần đọc hiểu dù chiếm số lượng câu hỏi ít hơn trong đề thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia nhưng lại là phần khiến TS e ngại nhất nên cẩm nang có hẳn một bài hướng dẫn cách “ăn điểm” bài đọc hiểu tiếng Anh. Với môn toán, TS sẽ có 9 lưu ý cho học và thi môn toán trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Để làm tốt bài thi môn lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân..., TS cần đọc loạt bài hướng dẫn làm bài thi từng môn cụ thể.

Hành trang khởi nghiệp
Không chỉ giúp TS định hướng, xác định ngành học khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, cẩm nang còn là “người bạn đồng hành” trong những năm tháng TS trở thành sinh viên.
Ngày nay, sinh viên không chỉ ra trường kiếm việc làm mà còn biết tự tạo ra cơ hội việc làm cho mình. Khái niệm khởi nghiệp và phong trào này đã lan tỏa trong giới trẻ thời gian gần đây.
Vì vậy, bên cạnh những nội dung cần thiết cho việc học tập, sinh hoạt của một sinh viên như học theo hệ thống tín chỉ, thông tin về học phí - học bổng, nhà trọ, thư viện, các câu lạc bộ đội nhóm..., cẩm nang còn cung cấp cho bạn trẻ một hành trang khởi nghiệp. Phần này có nhiều nội dung phong phú như: Cách tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp với những lời khuyên hữu ích cho những ai muốn bắt tay vào kinh doanh.
Bên cạnh đó, cẩm nang còn cung cấp nhiều địa chỉ, thông tin về việc làm thêm, xu hướng việc làm trong những năm sắp tới cho TS tham khảo.

Định hướng chọn nghề
Chọn ngành học để xét tuyển là một trong những quyết định quan trọng và khó khăn với phần lớn học sinh. Trong Cẩm nang tuyển sinh, các chuyên gia có kinh nghiệm tuyển sinh ở các trường ĐH và chuyên gia về lao động việc làm sẽ cung cấp thông tin cũng như xu thế công việc trong thời gian tới giúp TS định hướng chọn nghề.
Các TS sẽ có được thông tin tổng thể về các nhóm ngành nghề hiện đang đào tạo ở các trường ĐH, CĐ, những ngành nghề mới, các loại công việc đang thu hút nhân lực, xu hướng của thị trường việc làm... Ngoài ra, cẩm nang còn hướng dẫn thí sinh cách chọn ngành nghề sao cho đúng? Giữa ngành học và trường học, TS chọn cái nào trước? Lời khuyên của các chuyên gia cho TS khi nộp hồ sơ xét tuyển cũng rất đáng để tham khảo nếu TS muốn trúng tuyển từ nguyện vọng 1, học đúng ngành yêu thích.
Cẩm nang tuyển sinh còn rất nhiều thông tin hữu ích và cập nhật khác về quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Các vấn đề rất cần thiết khác cũng không thể thiếu trong cẩm nang như các bí quyết thi đậu, giữ sức khỏe ngày thi, kinh nghiệm ôn thi của thủ khoa...
Cẩm nang sẽ phát hành trên các sạp báo đến bạn đọc vào cuối tuần này.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.