‘Cẩm nang vàng’ cho người đóng BHXH và BHYT

21/12/2021 13:56 GMT+7

Dù thẻ BHYT còn hạn sử dụng nhưng khi đi khám bệnh, chị Nguyễn Thanh H. (45 tuổi, ở Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) vẫn bị nơi khám bệnh từ chối khám BHYT với lý do là thẻ của chị đã bị hết hiệu lực.

Qua giải thích của nhân viên y tế, nguyên do là chị vừa mới tham gia đóng BHYT bắt buộc nên thẻ BHYT tự nguyện của chị tự động hết hiệu lực.

Theo BHXH TP.Hải Phòng, trường hợp của chị H. không phải là hi hữu. Cụ thể là, với những người dân đang đóng BHYT hộ gia đình nhưng sau đó lại bắt đầu đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì sẽ được chuyển sang tham gia BHYT bắt buộc tại nhóm (do người lao động và đơn vị đóng hoặc các nhóm khác theo quy định của Luật BHYT). Do đó, BHYT hộ gia đình sẽ tự động hết hiệu lực dù vẫn đang còn hạn sử dụng.

Người dân đến giao dịch tại Bộ phận một cửa của BHXH TP.Hải Phòng

Để thẻ BHYT không bị gián đoạn và đảm bảo quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, người lao động cần kiến nghị ngay với đơn vị quản lý lập hồ sơ, đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho mình kịp thời, đúng quy định. Sau khi thẻ BHYT bắt buộc được cấp, người lao động đến cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH, BHYT, nơi đăng ký mua thẻ BHYT để làm thủ tục hoàn trả lại số tiền đóng trùng (ở các tháng vẫn đang còn hạn sử dụng) theo quy định.

Cũng theo BHXH TP.Hải Phòng, trường hợp người dân khi tham gia BHYT hộ gia đình lần đầu sẽ thực hiện đăng ký tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH gần nhất hoặc tại các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND cấp xã; điểm bưu điện văn hóa xã; các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã…). Còn khi gia hạn thẻ BHYT lần tiếp theo, người dân có thể đóng tiền thông qua Cổng DVC Quốc gia hoặc qua ứng dụng trực tuyến của ngân hàng (VCB Digibank của Vietcombank, BIDV Smart Banking của BIDV, MB Bank của MB).

Để được giảm trừ mức đóng BHYT hộ gia đình theo quy định, các trường hợp tham gia (cả lần đầu hoặc gia hạn thẻ) phải nộp tiền trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH, BHYT nơi mình đăng ký tham gia lần đầu.

63 dịch vụ công BHXH được giải quyết trực tuyến

Với 63 dịch vụ công được xử lý trực tuyến, BHXH đã ngày càng mang lại nhiều tiện ích cho người dân

Ngày 16.9 vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành Quyết định số 896/QĐ-BHXH về việc ban hành danh mục dịch vụ công (DVC) trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Theo đó, 63 dịch vụ công của BHXH đã được giải quyết trực tuyến.

Trong lĩnh vực BHXH được giải quyết trực tuyến có 19 dịch vụ công (DVC) áp dụng riêng đối với tổ chức, 31 DVC áp dụng riêng đối với cá nhân, 13 DVC áp dụng chung đối với cá nhân và tổ chức.

Về lĩnh vực thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm các thủ tục hành chính là đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện, cấp sổ BHXH; đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT.

Về lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT gồm các thủ tục hành chính về cấp lại, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT.

Trong lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH gồm các thủ tục hành chính để giải quyết hưởng chế độ ốm đau; giải quyết hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu; giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do thương tật, bệnh tật tái phát; giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp đã bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nay tiếp tục bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; giải quyết điều chỉnh, hủy quyết định, chấm dứt hưởng BHXH; giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã; giải quyết hưởng chế độ tử tuất; giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu theo Nghị định số 14/2020/NĐ-CP của Chính phủ…

Về lĩnh vực thực hiện chính sách BHYT gồm các thủ tục hành chính để đăng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Cuối cùng là các thủ tục trong lĩnh vực chi trả các chế độ BHXH, BHTN là đăng ký lĩnh chế độ BHXH bằng tiền mặt chuyển sang lĩnh bằng tài khoản cá nhân và ngược lại, hoặc thay đổi thông tin cá nhân; ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; truy lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH của người hưởng đã chết nhưng còn chế độ chưa nhận.

Người lao động khi đi khám chữa bệnh mà chưa được cấp thẻ BHYT kịp thời, thì được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT tại cơ quan BHXH. Để làm thanh toán chi phí khám chữa bệnh, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh, giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám chữa bệnh đề nghị thanh toán và các hóa đơn, các chứng từ khác có liên quan. Người dân sẽ mang hồ sơ đến cơ quan BHXH cấp huyện để giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.