Một lời khen bình thường nhưng đúng thời điểm luôn là động lực, sức mạnh khơi dậy tình cảm vô giá. Đây là một trong những bài học đầu đời trong nghề giáo của tôi.
Cậu học sinh không chịu trả lời câu hỏi của giáo viên
Đã 16 năm trôi qua, ngày ấy, tôi - một sinh viên mới ra trường với bao bỡ ngỡ, rụt rè khi cầm trên tay tờ quyết định đến nhận nhiệm sở tại một ngôi trường ở Q.1, TP.HCM. Tôi được cô hiệu phó dẫn tới lớp cuối cùng ở lầu 3 của trường và giới thiệu với học sinh cả lớp: “Đây là cô giáo sẽ dạy các em trong năm học này, các em hãy làm quen với cô đi nhé!”.
Thế là, tôi làm thân với các em bằng cách nở nụ cười thân thiện. Tôi vừa nói xong, cả lớp vỗ tay hoan hô và lần lượt tự giới thiệu về bản thân với tôi một cách rất hào hứng. Đến lượt giới thiệu cuối cùng là một bạn nam ngồi cuối lớp, em cúi gằm mặt xuống và không nói gì cả. Tôi đến gần và nói: “Em giới thiệu tên mình, sở thích, ước mơ của em đi”. Em vẫn không nói gì thì cả lớp nhao nhao lên: “Cô ơi! Anh Thắng đó lớn nhất lớp và đã học lại lớp 4 hai năm rồi. Anh đó không chịu nói đâu cô. Anh đó học dốt lắm cô. Không ai thích chơi với anh đó đâu cô. Cô đừng nói chuyện với anh đó…”.
Tôi bất ngờ với thái độ của học sinh cả lớp dành cho cậu học sinh này. Tôi liền yêu cầu cả lớp im lặng. Tôi bước lên bục giảng và dạy bài học đầu tiên về nội quy của lớp. Trong suốt buổi học hôm ấy, Thắng không hề lên tiếng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của tôi. Giờ ra về buổi chiều hôm ấy, tôi ngạc nhiên hơn vì đã 17 giờ 30 phút rồi mà Thắng không về nhà, cứ ngồi dưới gốc cây phượng, mặt cúi nhìn xuống đất. Thấy thế, tôi liền hỏi: “Sao em không về? Ba mẹ chưa đến đón sao? Nhà em có gần trường không? Hay em tự đi bộ về…”. Em không trả lời mà ngước mặt lên nhìn tôi chằm chằm với ánh mắt đầy tức giận. Nhìn thấy thái độ của em như thế, tôi liền bỏ ra về.
Cả buổi tối hôm ấy, tôi không thể nào chợp mắt được vì hình ảnh cậu học sinh kỳ lạ đó. Tôi cũng chưa từng thấy một học sinh nào dám im lặng trước những câu hỏi của giáo viên.
Từ cú giả vờ vấp ngã của cô
Suốt cả tuần đầu tiên, tôi vẫn đến lớp dạy bình thường nhưng chỉ có duy nhất Thắng không học gì cả. Tôi quan sát thái độ của học sinh cả lớp đối với Thắng thì thấy không em nào quan tâm đến sự tồn tại của Thắng. Giờ ra về của ngày cuối tuần, em vẫn cứ ngồi dưới gốc phượng. Tôi đi ngang qua giả vờ vấp ngã thì Thắng chạy lại và hỏi: “Cô có sao không?”. Tôi nghĩ thì ra em cũng biết quan tâm đến người khác đấy chứ. Thấy tôi không sao, em chào tôi rồi bước đi.
Buổi học đầu tiên của tuần thứ hai, tôi vào lớp kể cho học sinh nghe việc tôi được Thắng giúp đỡ khi bị ngã và khen ngợi Thắng trước lớp vì biết giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn. Tất cả ánh mắt đều đổ dồn về Thắng với cái nhìn rất ngưỡng mộ vì được cô khen. Mặt Thắng vẫn cúi nhìn xuống đất, không nói gì.
Cuối giờ về, em đến gặp tôi và nói: “Cảm ơn cô đã khen em vì từ lúc đi học đến giờ, em chưa bao giờ được cô giáo khen cả”. Tôi trố mắt nhìn em, em lại nói tiếp: “Em không có ba mẹ, em sống với bà. Ngày nào bà kiếm đủ tiền để ăn thì bà không nói gì; nhưng ngày nào không kiếm đủ tiền thì bà mắng em là của nợ và đánh đập em. Em đâu có muốn như vậy đâu cô”. Nghe đến đây, cổ tôi thấy nghẹn lại, nước mắt cứ thế tuôn ra.
Tôi khuyên em: “Bà phải vất vả nuôi em nên đừng giận bà. Hãy giúp bà những việc trong khả năng của mình để bà đỡ vất vả, khi ấy bà sẽ thương em nhiều. Em nên chơi cùng các bạn vì trong lớp ai cũng yêu quý em cả. Khi em làm được việc tốt, các bạn trong lớp ai cũng rất tự hào về em. Hãy cố gắng lên nhé!”.
Từ đó, mỗi ngày đến lớp tôi đều nhờ Thắng làm việc này, việc nọ giúp tôi cùng các bạn. Dần dần, Thắng trở nên thân thiết với các bạn trong lớp. Sự kỳ thị của các bạn với Thắng không còn nữa. Cuối năm học đó, Thắng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Suốt những năm sau đó, mỗi năm tôi đều nhận được một bó hoa cùng với lời cảm ơn từ em vào ngày Nhà giáo VN.
Bình luận (0)