Đó là tâm sự của Nguyễn Thị Thu Hải (19 tuổi), sinh viên năm 2 ngành marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), gửi đến Báo Thanh Niên. Thu Hải là nhân vật trong bài viết Nữ sinh điểm văn cao nhất nước có nguy cơ dang dở đại học (đăng trên Thanh Niên ngày 19.7.2019).
Thu Hải sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em ở thôn An Thái (xã Bình An, H.Thăng Bình, Quảng Nam). Mẹ Hải mất sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh suy thận quái ác, để lại bốn bố con Hải trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng chẳng có gì giá trị, ngoài chiếc ti vi đã nhạt màu và chiếc bàn gỗ cũ kỹ làm nơi học bài cho mấy chị em. Hải là con đầu, nhà còn có bà nội bị tai biến, nằm liệt giường đã mấy năm.
Biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ năm học lớp 10 đến khi tốt nghiệp Hải luôn cố gắng để “săn” được những suất học bổng của trường, lấy đó làm chi phí trang trải sinh hoạt cá nhân. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Hải thi khối D với tổng điểm 25,5 (văn 9,5; toán 7,8; tiếng Anh 8,2). Với 9,5 điểm văn, Hải là một trong 2 thí sinh ở Quảng Nam có điểm thi môn văn cao nhất nước. Thế nhưng, khó khăn bủa vây nên Hải luôn có suy nghĩ dừng việc học sau kỳ thi THPT quốc gia để kiếm việc làm giúp bố nuôi các em.
Nghe được thành tích học tập cũng như hoàn cảnh khó khăn của Hải từ một người thầy từng dạy em, phóng viên Thanh Niên đã vượt hàng chục cây số đến nhà Hải tìm hiểu gia cảnh. Hình ảnh nữ sinh nhà nghèo hiếu học này sau đó được Thanh Niên chuyển tải đến bạn đọc, đã chạm đến trái tim của nhiều người. “Cuộc đời em sẽ vẫn cứ trôi vội vã vào một góc hẻm vô định nếu như không có sự xuất hiện của Báo Thanh Niên. Bài báo trên Thanh Niên năm ấy đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống em”, Hải trải lòng.
Theo Thu Hải, nhờ bài báo mà em quen biết được rất nhiều cô chú, anh chị, những người tốt sẵn sàng cưu mang giúp đỡ cũng như tài trợ học bổng cho em trong suốt quá trình học đại học. “Em đã khóc vì hạnh phúc. Cánh cửa đại học như mở toang ra với em. Mọi thứ ở tương lai phía trước dần rõ ràng, không mờ mịt, vô định như lúc trước nữa. Và em biết rằng, đây là cơ hội để em thực hiện ước mơ mà bao lâu nay mình luôn ấp ủ, nung nấu”, Hải xúc động nhớ lại.
Và rồi, Hải đã chọn ngành marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) như đúng với mong ước, tự tin bước vào giảng đường với những điều tốt đẹp, tích cực mà mọi người trao đến. “Em được khơi dậy một nguồn động lực to lớn. Hiện tại, khi đã trở thành một sinh viên năm 2 cũng đã nếm trải chút ít vị đời, nguồn động lực ấy vẫn luôn dâng trào, tạo cho em sự nhiệt huyết, quyết tâm để có được những điều em muốn”, Hải tâm sự.
Hải cho rằng, bản thân cảm thấy may mắn hơn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn ngoài kia. Họ có ước mơ, có lý tưởng nhưng lại bị cái nghèo đói níu xuống. “Em luôn tin rằng một bài báo có thể thay đổi cuộc đời một con người. Những gì xảy ra với em của năm 18 tuổi càng làm em tin hơn vào quan điểm này của mình”, Hải quả quyết.
Cô sinh viên năm 2 cũng hy vọng những bài báo ý nghĩa về mảnh đời khó khăn, cần sự giúp đỡ, tình thương của cộng đồng sẽ còn được viết tiếp mãi, để chắp cánh những ước mơ còn dang dở, hướng tới cuộc đời tươi đẹp hơn. “Cảm ơn Báo Thanh Niên đã là cầu nối cho em với độc giả. Sau những ngày khó khăn, em cảm ơn cuộc đời vì đã lại mỉm cười với em”, Hải chia sẻ.
Bình luận (0)