Cam sành bỗng dưng… chết dần chết mòn

10/04/2014 08:44 GMT+7

Chưa bao giờ nhà vườn ở Hậu Giang lại lo lắng như lúc này, bởi gần 2.000 ha cam sành bỗng dưng “chết dần chết mòn” nhưng chưa có thuốc đặc trị...

 Cam sành
Nhiều vườn cam sành bị virus tấn công nhà vườn buộc lòng phải đốn - Ảnh: Nguyễn Đức

Bất lực nhìn cam chết

Hơn một tháng qua, người trồng cam sành tại H.Châu Thành và TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) đứng ngồi không yên vì vườn cam đang xanh tốt bỗng dưng “ngã bệnh”, vàng lá từ trên đọt xuống rồi chết dần. Ông Nguyễn Văn Lâm (ngụ xã Tân Thành, TX.Ngã Bảy) cho biết trong tổng số gần 700 gốc cam sành của gia đình, có khoảng 200 gốc bị vàng lá nặng. “Mặc dù tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc đặc trị trên cây có múi nhưng bệnh không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Với đà này, chắc tôi phải đốn bỏ hết số cam bệnh để hạn chế tốc độ lây lan”, ông Lâm nói.

 

Mặc dù tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc đặc trị trên cây có múi nhưng bệnh không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Với đà này, chắc tôi phải đốn bỏ hết số cam bệnh để hạn chế tốc độ lây lan

 Ông Nguyễn Văn Lâm (xã Tân Thành, TX.Ngã Bảy)

Tương tự, vườn cam của ông Võ Minh Công (ngụ cùng xã) cũng có hiện tượng cây chết dần chết mòn, khiến ông phải bấm bụng đốn hạ những cây nhiễm bệnh để trồng lại. Ông Công buồn bã nói: “Bỏ vốn đầu tư, bỏ công chăm sóc suốt mấy năm trời, vậy mà khi vườn cam chuẩn bị cho trái chiến thì bị nhiễm bệnh. Nhà vườn ở đây ai cũng hết sức lo lắng bởi nếu không ngăn chặn được dịch bệnh thì nhiều người sẽ lâm cảnh nợ nần, không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng”.

Chuẩn bị công bố dịch

Trước tình hình dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát mạnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang đã đưa ra nhiều phương án để cứu vườn cam; đồng thời phối hợp với Sở KH-CN mời Trường đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam đến khảo sát, nghiên cứu, qua đó khẳng định dịch bệnh trên cây cam sành là bệnh vàng lá gân xanh và bệnh do virus tấn công. “Đây là một loại virus mới nên khó đưa ra biện pháp phòng trị. Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh nặng thì khuyến cáo nhà vườn nên đốn bỏ để tái tạo lại. Sở đang khẩn trương làm thủ tục xin ý kiến Bộ NN-PTNT để công bố dịch, trên cơ sở đó sẽ có những chính sách hỗ trợ, giúp bà con nông dân có điều kiện phục hồi lại diện tích cam sành bị thiệt hại”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Cũng theo ông Đồng, những năm qua, do giá cam sành luôn ở mức cao nên nhiều nhà vườn đã ồ ạt trồng, làm cho diện tích cam sành trên toàn tỉnh tăng lên 8.000 ha. Do diện tích trồng cam sành phát triển quá nhanh, trong khi mạng lưới cung cấp cây giống sạch bệnh trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% nhu cầu nên bà con nông dân phải mua giống cây trôi nổi trên thị trường, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh. “Bên cạnh việc công bố dịch bệnh và hỗ trợ cho nông dân, trong quá trình phục hồi lại diện tích cam sành, chúng tôi khuyến cáo bà con quan tâm và đặt vấn đề sử dụng giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng lên hàng đầu. Sở cũng sẽ liên kết với các viện, trường, hợp tác xã sản xuất cây giống để nâng tỷ lệ cung ứng nguồn giống sạch bệnh cho bà con; đồng thời ban hành quy trình sản xuất cam sành an toàn để người dân nhanh phục hồi vườn cam và hạn chế dịch bệnh”, ông Đồng nhấn mạnh.

Nguyễn Đức

>> Đề xuất đốn bỏ hơn 8.000 ha cam sành nhiễm bệnh
>> Giá cam sành tăng kỷ lục
>> Những tỉ phú nông dân - Kỳ 4: Đột phá với cam sành
>> Vị ngọt cam sành Ngã Bảy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.