Cảm thương nghĩa tình miền Tây từ những ngày hè xanh

11/10/2022 09:30 GMT+7

Có lẽ trong ký ức của nhiều bạn trẻ , sẽ có kỷ niệm về những ngày tình nguyện trên mảnh đất miền Tây, quê hương sông nước đầy nghĩa tình. Và có lẽ sẽ có thật nhiều người muốn viết nên những dòng chia sẻ về kỷ niệm đó, vì dù xa cách bao lâu nhưng những hình ảnh, những niềm nhớ vẫn cứ thế đi cùng qua bao năm tháng.

Chúng tôi có dịp lênh đênh sông nước Hậu Giang và nhiều vùng quê để làm hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh từ năm 2009, nhưng ký ức về những vùng đất này chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Có ở đó ba mươi ngày mới thấm cái tình, cái nghĩa của bà con dành cho sinh viên tình nguyện vùng xa đến quê hương mình. Có ở đó ba mươi ngày mới thấu hiểu rằng, bà con sẵn lòng đong đầy chén cơm, sẻ chia ly nước dừa cho những bạn trẻ lần đầu đến vùng đất lạ. Rồi khi sự bỡ ngỡ ban đầu qua đi, cũng là lúc những ngày không muốn rời xa mảnh đất một tháng gắn bó với bao nghĩa tình chợt đến.

Giọt mồ hôi rơi trên cánh đồng mới thấm thía bài học một nắng hai sương, lao động miệt mài

tgcc

Bài học tình người giữa miền quê sông nước

Khi đi tình nguyện tại miền Tây, đoàn chúng tôi có dịp được dạy học, được trồng cây, được đi gặt lúa, được làm nhà… Những điều mà hồi nào giờ chỉ nghe kể trên lớp, thì nay được tận tay làm, được trải nghiệm như người làm nông thật thụ để tự rèn luyện bản thân mình.

Chúng tôi chọn những miền xa nhất và khó khăn nhất để san sẻ với bà con. Thời điểm đó không có những con đường nhựa thẳng tắp trải dài, mà chỉ có những tuyến đường đê dậy mùi sình, đôi chân bước vài lần vấp ngã vì chưa quen. Nhưng cứ hễ đi đường xa tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hè hay thủ tục hành chính là bà con mời nước uống, nhà có cam thì lấy cam “cho mấy đứa ăn lấy thảo”, nhà có dừa thì chặt ngay quầy dừa “uống nước cho mát rồi đi nha mấy con”. Đi giữa những hàng cây và ruộng lúa mênh mang, chúng tôi như bắt gặp sự mát lành không chỉ của màu xanh đồng quê, mà còn được thấm đẫm trong bóng mát của sự quan tâm quá đỗi chân tình đến tự nhiên của bà con nơi vùng đất còn nhiều khó khăn khi đó.

Nụ cười hồn hậu, tình thương chân chất, mộc mạc của bà con quê hương sông nước dành cho người phương xa

tgcc

Chiều về đến nhà, bác Năm đã chuẩn bị sẵn bữa cơm bên bếp củi ấm nồng, gạo cũng là của bác Năm cho, đồ ăn thì “cây nhà lá vườn”. Tôi vẫn nhớ rõ trong ba mươi ngày ở đây, bác Năm không nhận tiền của chúng tôi góp mua gạo nước gì hết, bác cho không, “mấy đứa ở xa tới đây làm cực khổ mà tiền bạc gì con”. Mùa hè thường kéo theo những cơn mưa, ngồi bên gian nhà lá, ăn bữa cơm miền Tây với con cá khô và rau hái vườn, vậy mà sao thấy hạnh phúc len lỏi trong lòng bởi tình người quá đỗi chân phương, mộc mạc của bà con.

Những bài học cuộc đời này, nếu không được đi, được trải nghiệm, có lẽ chúng tôi chỉ biết cái nghĩa, cái tình của người miền Tây qua trang báo, sách vở. Nhưng khi được lên đường và được sống trọn vẹn một tháng giữa vùng quê với bao ân tình mới thấm thía cái gọi là nghĩa, là tình từ mảnh đất phù sa. Xin được đặt một dấu chấm cảm ở đây cho những cảm xúc một lần nữa được sống lại trong tôi và một dấu chấm cảm để cảm ơn tấm lòng, tình cảm của ông bà Năm, của bà con nơi đây, của đồng đội, cảm ơn cả những tháng ngày ở quê hương sông nước đầy thử thách nhưng cũng lắm yêu thương.

Khi bài hát Bạn ơi có nhớ vang lên cũng là lúc chúng tôi biết rằng một tháng chiến dịch sắp kết thúc. Ngày cả đội hình rời xa mái nhà của bà con nuôi sinh viên nơi đây, khi chiếc ghe chưa kịp rời khỏi bờ đê, bạn nào cũng khóc. Từ hai bên bờ, nơi những mái lá được lợp bởi dừa nước, bà con ra vẫy tay chào cũng không cầm được nước mắt. Tôi vẫn nhớ ngày đó bác Năm đã nấu cho chúng tôi nồi chè mang theo ăn đỡ đói trước khi về, tôi cũng nhớ bà Tư (nay đã mất) mang cho chúng tôi bình nước dừa mát lành, bà còn dặn uống hết bà mới chịu về. Tôi nhớ em nhỏ tên Nhựt Long – một em học trò lớp 8 mà ngày trước chúng tôi được dạy học trong hè, đạp chiếc xe chạy theo để vẫy tay chào... Một đoạn đường dài thấm đẫm kỷ niệm, không ai nói nên lời, không ai kìm được nước mắt.

Đó là giọt nước mắt của những tình cảm lưu luyến ngày chia xa bà con nơi đây, đó là giọt nước mắt cũng bởi quý cái tình cái nghĩa quá đỗi chân phương, mộc mạc mà chúng tôi không sao quên được, để giờ đây khi viết lại những dòng này sau hơn chục năm, cảm xúc vẫn vẹn nguyên, như mới trải qua đây thôi.

Nét đẹp không gương lược

Trước lạ sau quen. Mưa dầm thấm đất. Xa rồi lại nhớ. Những năm sau này tôi có dịp về Hậu Giang nhiều lần nữa vào dịp trung thu. Những chiếc thuyền giấy cắm ngọn nến được chúng tôi và em nhỏ thả trôi trên sông mang theo bao ước mơ, hoài bão và đong đầy kỷ niệm. Cứ mỗi lần có dịp trở lại mảnh đất này, cô chú, tía má nơi đây vẫn nhận ra chúng tôi, những cái ôm, cái hôn lên má như đón đứa con đi làm xa trở về nhà. Mấy em nhỏ giờ đã lớn lên, ngày xưa chỉ là các em học sinh, giờ đã thành các chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân.

Bữa cơm quê đong đầy tình yêu thương

tgcc

Từ những ngày hè ở Hậu Giang, sau này chúng tôi lại được về tình nguyện ở nhiều vùng quê khác miền Tây trong dịp hè như Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh… Trong những ngày dãi nắng dầm mưa đó, chúng tôi vẫn cảm nhận vẹn nguyên tình cảm không phai đi theo năm tháng, dù ở một mảnh đất phù sa khác. Chúng tôi cũng ghi sâu trong tâm trí một kỷ vật rất đỗi thân quen mỗi khi nhắc về bà con miền Tây, đó là chiếc khăn rằn. Ngày chúng tôi lên đường tình nguyện, ai cũng có chiếc khăn rằn. Ngày chúng tôi về miền Tây, chiếc khăn đã cho chúng tôi hiểu thế nào là câu chuyện tình người. Chiếc khăn lau đi giọt mồ hôi mỗi khi ra đồng, chiếc khăn để diễn hoạt cảnh văn nghệ, chiếc khăn để gói ghém trái chanh, trái ổi bà con cho mang về, và cũng chính chiếc khăn đó, đã lau đi dòng nước mắt cho các em thơ và của chính mình. Cứ mỗi lần như thế, chiếc khăn thấm đẫm như đậm thêm một màu, màu kỷ niệm, màu ân tình. Đó cũng chính là kỷ vật nhắc nhớ về nghĩa tình miền Tây và nét đẹp chất phác, hồn hậu – một nét đẹp không gương lược, một nét đẹp không hào nhoáng, cao sang mà lại chất chứa trong đó cái nghĩa, cái tình của bà con quê hương sông nước.

Có lẽ, với chúng tôi, những ngày hè xanh miền Tây thế này quá đỗi ngọt ngào và đong đầy thành kỷ niệm, để giờ đây ngồi viết những dòng này, thêm một lần nữa được sống lại những cảm xúc mộc mạc, những kỷ niệm thân thương. Những bài học đời thường mà sâu sắc, những lời nói chân chất mà bao dung, những hành động hào sảng mà lắm chân tình, như đưa tất cả chúng ta trở về miền ký ức của tuổi thanh xuân tươi đẹp. Và có lẽ, chưa bao giờ có thể đặt dấu chấm cho những dòng viết chia sẻ về những kỷ niệm miền Tây. Đó chỉ là một dấu chấm cảm của hoài niệm, của yêu thương, của niềm thôi thúc thêm một lần nữa quay trở lại mảnh đất phù sa nghĩa tình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.