Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Tự mua máy kiểm tra trước khi lái xe, được không?

04/03/2024 14:25 GMT+7

Trước quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, nhiều người đặt câu hỏi rằng tự mua máy để kiểm tra nồng độ cồn trước khi lái xe thì có được không?

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (hiệu lực thi hành từ năm 2020) quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tách ra từ luật Giao thông đường bộ) đề xuất tiếp tục giữ nguyên quy định như hiện hành.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn hay cần có ngưỡng phù hợp là vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian qua. Nhiều câu hỏi xung quanh quy định nồng độ cồn và xử phạt nồng độ cồn được bạn đọc đặt ra tại buổi giao lưu trực tuyến do Tuổi trẻ Online tổ chức ngày 4.3.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Tự mua máy kiểm tra trước khi lái xe, được không?- Ảnh 1.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với tài xế

PHÚC BÌNH

Người dân tự mua máy kiểm tra nồng độ cồn có được không?

"Làm sao để biết trong cơ thể nồng độ cồn bằng 0 để không phải lo lắng khi tham gia giao thông? Có được mua máy đo nồng độ cồn do Bộ Công an cấp không?", bạn đọc đặt câu hỏi.

Trả lời, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), khẳng định việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng, CSGT đã được quy định trong luật Xử lý vi phạm hành chính và nghị định của Chính phủ quy định về thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử phạt vi phạm hành chính.

Các thiết bị này được kiểm định và thỏa mãn giữa 2 kỳ kiểm định theo quy định của pháp luật; chỉ các thiết bị đạt tiêu chuẩn mới có căn cứ để lực lượng chức năng xử lý vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn.

Bộ Công an giải thích việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe

Do đó, người dân nếu mua, sử dụng các thiết bị đo nồng độ cồn khác thì chỉ có thể mang yếu tố tham khảo. "Tôi cho rằng không có máy nào tốt hơn bằng chính bản thân, ý thức của mỗi người là đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông", đại tá Nhật nói.

Đại diện Cục CSGT cũng khuyến cáo rằng, nếu ngày mai đi làm hoặc tham gia gia giao thông, người dân cần lưu ý tối nay "có thể vui nhưng không nên quá đà", cần giữ một ngưỡng để cơ thể khỏe mạnh, tư duy tốt, không vi phạm các quy định pháp luật về giao thông.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Tự mua máy kiểm tra trước khi lái xe, được không?- Ảnh 2.

Theo đánh giá của đại diện Cục CSGT, việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn giúp tai nạn giao thông giảm

PHÚC BÌNH

Vì sao Việt Nam là số ít quốc gia cấm tuyệt đối nồng độ cồn?

Bạn đọc dẫn thông tin rằng, trên thế giới chỉ có 20 quốc gia cấm tuyệt đối nồng độ cồn, chiếm phần ít. Quá trình xây dựng luật, Bộ Công an nghiên cứu thế nào về điều này?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay, giao thông ở Việt Nam có đặc thù hỗn hợp, xe mô tô đi cùng ô tô, quá trình đi lại thường không tuân thủ quy tắc về làn đường, khoảng cách…

Theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số những nước tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức cao trên thế giới.

Đặc biệt, nhiều người có thói quen tụ tập khi vui buồn, có công việc hay lâu ngày không gặp gỡ, đối tác làm ăn... Sau khi sử dụng rượu, bia, họ vẫn sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển.

Vì vậy, tác hại của rượu, bia gây ra đối với sức khỏe, trong đó có lĩnh vực giao thông, tiềm ẩn nguy cơ rất cao.

Đáng chú ý, đại tá Nhật dẫn kết quả khảo sát tại các trại giam của Bộ Công an, đối với 7 nhóm tội danh (giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, vi phạm quy định về tham gia giao thông, chống người thi hành công vụ...), cho thấy trung bình 50% những người thực hiện hành vi tội phạm có sử dụng rượu, bia.

Từ tháng 6.2022 đến tháng 12.2023, toàn quốc xảy ra 5.883 vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến người điều khiển sử dụng rượu bia, chiếm 17,43% tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra. Hậu quả, làm chết 3.427 người, chiếm 19,14% tổng số người chết trong tai nạn giao thông, làm bị thương 4.327 người, chiếm 19,43% tổng số người bị thương.

Với thực tế đã nêu, đại tá Nhật khẳng định, việc phòng, chống tác hại rượu, bia, nhất là trong lĩnh vực giao thông nhằm phòng ngừa các vi phạm, tai nạn có nguy cơ từ việc tài xế có nồng độ cồn là điều cần tập trung ngăn chặn, đấu tranh.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn: Tự mua máy kiểm tra trước khi lái xe, được không?- Ảnh 3.

Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn được nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn

PHÚC BÌNH

Ăn hoa quả lên men có khiến nồng độ cồn tăng?

Một câu hỏi khác được nhiều người quan tâm, đó là uống nước hoa quả lên men hoặc ăn trái cây, cơm rượu, các món chế biến bằng cách hấp bia, rượu vang… có thể khiến đo nồng độ cồn tăng hay không?

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), với các loại thuốc, siro có chứa cồn, các nước phát triển quy định rất rõ.

Ví dụ với trẻ bú mẹ thì các loại siro không được chứa nồng độ cồn mức bao nhiêu, trẻ dưới 5 tuổi nồng độ cồn trong siro không được phép là bao nhiêu, đến 12 tuổi thì nồng độ cồn không được phép là bao nhiêu…

Cử tri đề nghị quy định mức nồng độ cồn tối thiểu, Bộ GTVT nói gì?

Vì vậy, với những sản phẩm này, nồng độ cồn trên nhãn mác phải rõ ràng phần trăm và có cảnh báo, nếu sử dụng như thế nào sẽ có ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Trường hợp sử dụng dưới ngưỡng cho phép thì không sao nhưng nếu quá nhiều chắc chắn sẽ có ảnh hưởng.

Các nước phát triển cũng đã có quy định rõ những sản phẩm nào khi đã thương mại hóa, bán cho người tiêu dùng thì phải được kiểm soát, công bố thông tin như về hàm lượng dinh dưỡng bên trong.

Vẫn theo bác sĩ Nguyên, với các sản phẩm có chứa nồng độ cồn, ăn ít sẽ không có nguy cơ nhưng ăn nhiều thì cơ thể sẽ phát sinh nồng độ cồn và dễ gặp phải rắc rối, mất công giải trình.

Do đó, mọi người cần biết sản phẩm ăn uống vào người như thế nào. Phía sản xuất, cung ứng cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin rõ ràng về nồng độ cồn trong sản phẩm là bao nhiêu, có cảnh báo rất rõ ràng.

Cơ quan quản lý tới đây cần làm chặt chẽ, với các sản phẩm có cồn bán cho người dân phải có nhãn mác đầy đủ, cung cấp rõ ràng thông tin về nồng độ cồn trong sản phẩm.

Còn với các sản phẩm trôi nổi, người dân tự nấu thì dần dần phải chuẩn chỉ, an toàn hơn; không riêng nồng độ mà các thứ khác cũng cần phải rõ ràng.

Xử lý "gắt" nồng độ cồn, tai nạn giảm

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, năm 2023, lực lượng CSGT xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm, trong đó có hơn 770.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm 22,65%; tăng hơn 149% so với năm 2022.

Riêng 7 ngày tết Nguyên đán năm 2024, lực lượng CSGT xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 41,25% tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông), tăng hơn 277% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn không chỉ giúp tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn giảm; mà còn giúp giảm tình trạng gây mất trật tự xã hội như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích...

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay, tại bệnh viện, thống kê cho thấy các ca cấp cứu liên quan đến rượu, bia giảm đáng kể, tới 50% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những bệnh lý cấp tính. Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh lý, hậu quả lâu dài do vấn đề lạm dụng rượu, bia.

"Tôi cho rằng, nếu duy trì việc kiểm soát về nồng độ cồn như hiện nay thì có thể kéo giảm khoảng 50% các ca cấp cứu do rượu, bia", bác sĩ Nguyên nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.