Cấm văn phòng thừa phát lại lập vi bằng mua bán đất

Đình Sơn
Đình Sơn
19/07/2018 11:44 GMT+7

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và tạo lòng tin, các đầu nậu nhà đất đã "lừa" người dân bằng cách lập vi bằng trong mua bán đất. Hành vi này đã bị Sở Tư pháp TP.HCM ra lệnh cấm.

Ngày 19.7, thông tin từ Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết đã có cuộc họp với các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP để cấm tất cả các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP cố tình lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận nền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời các văn phòng thừa phát lại không được lập vi bằng xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật nhằm chuyển quyền sử dụng và quyền sở hữu cho người khác.
Trong các trường hợp lập vi bằng, văn phòng thừa phát lại phải giải thích rõ, đầy đủ về giá trị pháp lý của vi bằng do thừa phát lại lập cho người yêu cầu lập vi bằng biết, tránh để người yêu cầu lập vi bằng ngộ nhận vi bằng có giá trị như hợp đồng công chứng.
Theo Sở Tư pháp, việc một số văn phòng thừa phát lại cố tình lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận nền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích xấu của đầu nậu nhà đất là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy quy định này đưa ra để tránh tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng để tạo lòng tin, lừa đảo người dân mua bán đất phân lô, nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch.
Thời gian qua tại TP.HCM nhiều trường hợp người dân tan cửa nát nhà vì mua nhà đất theo dạng lập vi bằng. Nhiều đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai… lợi dụng người mua thiếu hiểu biết, các đối tượng này gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại.
Những căn nhà không có sổ đỏ được mua bán bằng giấy tay, để tăng sự tin tưởng, các đối tượng này nhờ các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng. Thậm chí nhiều căn nhà chung một sổ đỏ cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng. Nhiều nạn nhân “dính” vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép... khiến cuộc sống điêu đứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.