Ngay từ trước khi ra mắt, bộ phim đã tạo nên một lực hấp dẫn khó cưỡng với những ai “trót” yêu cuốn tiểu thuyết. Họ tò mò: Watanabe Toru, Naoko, Midori hay Reiko... sẽ bước ra như thế nào? Những khát khao tình yêu và tình dục - yếu tố đậm đặc trong tiểu thuyết - sẽ được lột tả ra sao?
Rừng Na Uy không phải là bộ phim giải trí mà là bộ phim khiến người ta phải... nghĩ khi xem. Những niềm hạnh phúc tưởng như là bất tận, những nỗi cô đơn cùng cực, những chới với trong cuộc sống của những con người trẻ tuổi mang lại những đợt sóng cảm xúc cho khán giả, có lúc có cảm giác như rơi xuống vực sâu tận cùng của nỗi đau đớn, cô đơn trong tâm hồn, có khi lại miên man trong những rung động tình yêu trong trẻo và ấm áp.
Những cánh đồng cỏ xanh mướt, ngút ngàn, những bãi biển cùng núi đá hùng vĩ, những ngọn đồi tuyết trắng xóa... là những hình ảnh đẹp trong Rừng Na Uy. Diễn xuất của các diễn viên Kenichi Matsuyama (Watanabe Toru), Rinko Kikuchi (Naoko), Kiko Mizuhara (Midori) đã thổi hồn cho nhân vật, thực sự gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Một trong những thành công khác của phim là âm nhạc được thực hiện bởi Jonny Greenwood. |
Đạo diễn Trần Anh Hùng tập trung chủ yếu vào những tình cảm giữa Watanabe với Naoko và Midori. Họ đều còn rất trẻ, mới chỉ 20 tuổi và có những tính cách khác nhau: Naoko là cô gái trong sáng, nhạy cảm, dễ tổn thương, trong khi Midori lại mạnh mẽ, hoạt bát, tràn trề sức sống, còn Watanabe là chàng trai chân thành, đa cảm. Sợi dây gắn bó họ và cũng là sự khát khao luôn bỏng cháy trong mỗi người đó là tình yêu.
Trong phim, những câu chuyện tình yêu có khi chỉ lướt đi nhẹ nhàng, nhưng cũng có lúc được đạo diễn dâng lên cực điểm. Trái tim người xem có thể rung lên trước nỗi đau, nỗi cô đơn cùng cực của Watanabe khi mất đi người yêu Naoko. Giữa bãi biển lạnh lẽo với những con sóng dữ dội, Watanabe gào lên một cách bất lực, những hình ảnh ấm áp của Naoko hiện ra, vỗ về tâm hồn anh. Cảnh quay đẹp, được thể hiện một cách tinh tế, cùng diễn xuất đầy tâm trạng của Kenichi Matsuyama trong vai Watanabe Toru đã tạo nên trường đoạn mang tới cảm xúc mạnh cho người xem.
Trong tiểu thuyết Rừng Na Uy, tình dục, sự gần gũi thể xác được lột tả một cách trần trụi. Thể hiện điều đó bằng ngôn ngữ điện ảnh là một thử thách cho đạo diễn Trần Anh Hùng. Không quá mạnh bạo, có phần tiết chế, những hình ảnh trong phim đủ để khán giả cảm nhận tình dục là sự thăng hoa tột cùng của tình yêu, cũng có khi là để khỏa lấp nỗi cô đơn, tuyệt vọng, hay nhu cầu, bản ngã của con người.
Sự gần gũi của Watanabe với Naoko đã khỏa lấp cho tâm hồn “méo mó” của Naoko do phải chịu đựng những cú sốc quá lớn ở tuổi niên thiếu: Kizuki - người Naoko yêu, gắn bó từ khi còn nhỏ đột ngột tự tử khi mới 17 tuổi, chị gái Naoko cũng tự tử ở chính lứa tuổi ấy. Còn sự gần gũi giữa Watanabe và Reiko lại là sự giải thoát cho Reiko. Sau khi Naoko mất, Reiko quyết định tiếp xúc với “thế giới bên ngoài” và cô đã tìm đến Watanabe để tìm lại bản năng đàn bà đã đánh mất từ 7 năm trước.
Với nhiều người, tiểu thuyết Rừng Na Uy không phải dễ đọc, chính vì thế bộ phim cũng không... dễ hiểu. Khi xem phim, mỗi khán giả có những cảm nhận riêng, có những suy nghĩ khác nhau về tình yêu, về bản năng, bản ngã của con người và vẫn còn đâu đó những câu hỏi chưa thấy câu trả lời của riêng mình.
Minh Ngọc
Bình luận (0)