Theo Bộ GD-ĐT, ngày 19 tới, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT phối hợp với một số cơ sở giáo dục ĐH tổ chức Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Hội thảo là một phần trong khâu chuẩn bị cho nội dung kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch mà Bộ GD-ĐT dự kiến trình Chính phủ trong tháng 10 này.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ diễn ra hồi tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, chúng ta cần có sự chuẩn bị về nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao ngành bán dẫn.
Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người.
Dự kiến sắp tới sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, hy vọng sẽ có đầu tư vào công nghiệp sản xuất. Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế (ĐH Fullbright), tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này cần có trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ ĐH học trở lên.
Theo giới chuyên ngành (đến từ các trường ĐH kỹ thuật), nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới là khoảng 3.000 người/năm; trong đó, số tốt nghiệp sau ĐH chiếm ít nhất 30% (bao gồm kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ).
Cần nhân lực giỏi để đón làn sóng bán dẫn
Ngành nào phù hợp, ngành nào gần?
Bà Thủy cho rằng các trường ĐH kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam hiện đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu… Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…
Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên (SV) học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1 - 2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1 - 2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng SV ĐH tuyển mới và tốt nghiệp các nhóm ngành phù hợp và ngành gần như sau: các ngành phù hợp tuyển mới khoảng 6.000 SV/năm và tốt nghiệp khoảng 5.000 SV/năm (gia tăng trung bình 7%/năm); các ngành gần tuyển mới khoảng 15.000 SV/năm và tốt nghiệp khoảng 13.000 SV/năm (gia tăng trung bình 10%/năm). "Như vậy, nếu 30% sinh viên các ngành phù hợp và 10% các ngành gần theo học các chuyên ngành vi mạch, bán dẫn, số lượng 3.000 người tốt nghiệp/năm là khả thi", bà Thủy nói.
Bà Thủy cũng cho biết các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn được xác định là điện tử - viễn thông, vi điện tử… Các ngành gần là điện, cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính… Với ngành phù hợp, các trường cần điều chỉnh chương trình đào tạo để bổ sung chuyên ngành sâu từ 1 - 2 học kỳ. Với ngành gần thì SV muốn làm việc trong lĩnh vực bán dẫn cần học chuyển đổi, bổ sung từ 2 - 3 học kỳ.
Bình luận (0)