Cần biết khi bị viêm mũi dị ứng

25/01/2010 22:15 GMT+7

Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) là bệnh mạn tính làm cho chất lượng cuộc sống bệnh nhân bị hạn chế do tập trung kém, mất ngủ và nhức đầu.

VMDƯ biểu hiện: ngứa mũi, họng và mắt, hắt hơi thường xảy ra vào buổi sáng và giảm nhiều vào buổi trưa với buổi tối, chảy nước mũi trong sau đó thì  có màu vàng hoặc màu trắng đục do bị bội nhiễm, nghẹt mũi thường xảy ra sau một tràng hắt hơi và một số triệu chứng phụ như nhức đầu, ho, đau họng và có thể sốt nhẹ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới thì VMDƯ được chia làm ba loại sau:

- VMDƯ quanh năm: Triệu chứng xuất hiện quanh năm do các yếu tố sau:

Do hít phải các kháng nguyên gây dị ứng như bụi nhà, mùi lạ như sơn, vẹc-ni...; cuộc sống quá bận bịu và lo toan cũng là yếu tố thuận lợi gây VMDƯ.

Các nguyên nhân gây VMDƯ không đặc hiệu khác như: thuốc: aspirine, sulfamide, streptomycine, penicilline và một số loại huyết thanh chống bạch cầu...; một số loại hải sản hoặc từ các vật nuôi...

- VMDƯ theo mùa: Triệu chứng xuất hiện theo mùa nhất định trong năm như mùa hoa nở nên dễ hít phải các loại phấn hoa hoặc từ các bào tử nấm của hoa bay ra trong không khí.

- VMDƯ do nghề nghiệp: Trong các ngành có liên quan đến chế biến, xay xát lúa gạo, hay tiếp xúc với bụi trong sợi bông vải, khói, bụi gây ô nhiễm tại công trường...

Để tránh VMDƯ cần phòng và điều trị theo cách sau:

- Tránh các chất gây dị ứng do hít vào bằng cách thường xuyên đeo khẩu trang khi đi trên đường cũng như tại nơi làm việc phải có dụng cụ bảo hộ để tránh bụi, khói, hơi thuốc. 

- Giải mẫn cảm (desensitises): Nếu tìm đúng chất gây dị ứng để điều trị thì tỷ lệ thành công sẽ cao (85%), tuy nhiên không dễ tìm vì kháng nguyên là vô số kể.

- Thuốc corticosteroid dùng dưới dạng uống có tác dụng làm giảm viêm tai, mũi, da, mắt, giúp giảm xung huyết và tiết dịch của niêm mạc mũi, làm giảm ngứa mũi, mắt; thuốc xịt mũi có corticoid; thuốc kháng histamine; thuốc chống nghẹt mũi (Decongestant); thuốc kháng sinh chỉ dùng khi bị bội nhiễm như nhức đầu, sốt, nước mũi đục.

VMDƯ là một bệnh lý rất thường gặp, việc chẩn đoán không khó khăn nhưng  điều trị thì vẫn còn khó khăn vì không phải trường hợp nào cũng tìm ra chất gây dị ứng. Việc điều trị chủ yếu tập trung làm giảm triệu chứng và chống bội nhiễm để tránh gây viêm xoang. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc phải cần đến sự đồng ý và giám sát của bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng vì một số loại thuốc chống dị ứng có tác dụng phụ gây buồn ngủ nên rất nguy hiểm cho những người làm việc cần tập trung như đang lái xe, làm trong các dây chuyền hoặc vận hành máy móc.

TS-BS Nguyễn Trọng Minh
(Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.