Sáng 18.7, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức Diễn đàn kinh tế vĩ mô với chủ đề “Vượt gian khó đón tương lai”. Ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - cho hay có những điểm nghẽn về tăng trưởng kinh tế TP.HCM cần được tháo gỡ.
Những khó khăn mà kinh tế thành phố đã và đang đối diện là người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; đầu tư công có khởi sắc nhưng rất chậm. Một số dự án lớn quyết liệt thực hiện như Vành đai 3 nhưng chưa đủ. Song song đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố giảm rất mạnh. Việc thị trường bất động sản giảm rất rõ kéo theo các ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng; nhu cầu tín dụng yếu dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp; thị trường chứng khoán, trái phiếu chưa phục hồi. Từ đó, niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế ảm đạm và khả năng cắt giảm lao động sẽ có nguy cơ tăng do đơn hàng giảm.
Ông Phạm Bình An nhấn mạnh: Tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chưa chủ động... của nhiều cán bộ công chức đang và sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đầu tư công, hay các dự án thị trường bất động sản. Đây là điểm nghẽn rất lớn và cần tháo gỡ trong thời gian tới. Bởi điểm nghẽn này nếu không được tháo gỡ thì dù có nhiều chính sách đưa ra để kích thích kinh tế phát triển, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công... cũng sẽ khó thực hiện vì con người vẫn là quan trọng nhất.
Do đó, dư địa tăng trưởng kinh tế của TP.HCM vẫn có nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 - 8% như đặt ra là rất khó khăn. Ông Phạm Bình An tính toán, để GRDP của thành phố cả năm tăng được 7% thì quý 3/2023 phải tăng từ 11,3 - 15,3%. Trường hợp GRDP quý 3/2023 chỉ tăng từ 9,81 - 14,7% thì ước tính cả năm sẽ tăng từ 6,5 - 7%.
Hiện thành phố có điểm sáng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt là Nghị quyết 98 của Quốc hội thông qua với chính sách đặc thù riêng cho thành phố đã giải phóng nhiều vấn đề, đặc biệt về đầu tư công. Đồng thời các khó khăn khác cũng tiếp tục được giải quyết như hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận thị trường... để từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
"TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đoàn tàu kinh tế cả nước không thể đi nhanh được nếu đầu tàu là thành phố không đi nhanh", ông Phạm Bình An chia sẻ.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung xử lý 3 vấn đề lớn của vùng Đông Nam Bộ
Bình luận (0)