Cán bộ hầu như chỉ nộp lại quà tặng khi bị phát hiện sai phạm

20/09/2017 10:43 GMT+7

Ủy ban Tư pháp cho rằng dư luận rất bức xúc trước nạn tặng quà qua các vụ việc ở OceanBank hay Công ty CP VN Pharma, song thực tế thì cán bộ chỉ nộp lại quà tặng khi bị phát hiện sai phạm.

"Vụ Yên Bái dân quan tâm mà mãi sao chưa công bố?"
Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19.9.
Cụ thể, báo cáo của Ủy ban Tư pháp dẫn chứng: Vụ việc xảy ra tại Công ty CP VN Pharma, khi các bị cáo khai nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỉ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Hay trường hợp ông Ninh Văn Quỳnh thừa nhận và nộp lại 20 tỉ đồng đã nhận của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong vụ "đại án" xảy ra tại OceanBank. Tương tự, cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Trường Duy, cán bộ Hải quan TP.HCM 64 phong bì với tổng cộng gần 1 tỉ đồng...
Ủy ban Tư pháp dù đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà nhưng cũng cho rằng, trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ…
"Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này", báo cáo thẩm tra nêu.
Tương tự, nhận xét về thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, Ủy ban Tư pháp nhận thấy việc chỉ xác minh đối với 77 người trong tổng số hơn 1,1 triệu người đã kê khai và chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm là quá ít trong khi theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý. Báo cáo dẫn ví dụ việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái là điển hình.
Thảo luận vấn đề này, ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng ban Dân nguyện đề nghị với vụ việc lớn qua thanh tra phải công khai rộng rãi đúng thời gian quy định, bởi nhiều việc thanh tra xong cứ để đấy. “Như vụ Yên Bái dân quan tâm mà mãi sao chưa công bố? Nhiều việc thanh tra nỗ lực, mất nhiều công sức nhưng vì việc công bố mà người ta cảm thấy có gì đó khuất tất, hiệu quả phòng chống tham nhũng kém”, ông Đương nói.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng băn khoăn rằng những vụ việc thanh tra làm chưa được nhiều, hiệu quả như những vụ mà Ban Chỉ đạo T.Ư phòng chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra T.Ư trực tiếp vào cuộc.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, mặc dù báo cáo phòng chống tham nhũng đóng dấu mật nhưng việc 63 tỉnh, thành mà nơi nào làm không tốt công tác phòng chống tham nhũng thì phải rõ địa chỉ, phải công khai để nhắc nhở, phê bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.