Cán bộ hết 'sợ sai' khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực

01/08/2024 14:20 GMT+7

Theo ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ TN-MT), nhiều dự án vướng mắc kéo dài 20 năm chưa giải quyết vì cán bộ địa phương sợ sai. Tuy nhiên, luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực sẽ giải quyết được những vấn đề này.

Dự án vướng mắc kéo dài 20 năm vì cán bộ sợ sai

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Vận hội mới của thị trường bất động sản" do Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức sáng 1.8, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ TN-MT) kỳ vọng, với việc 3 luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng (từ 1.8.2024) sẽ tháo gỡ được vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, trong đó có vướng mắc về định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.

Cán bộ hết 'sợ sai' khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực- Ảnh 1.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất (Bộ TN-MT) cho rằng, việc luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ giúp cán bộ hết sợ sai

KHẮC HIẾU

Theo ông Chính, kể từ khi ban hành luật Đất đai 2003, có dự án vướng mắc kéo dài 20 năm chưa giải quyết, nhiều địa phương "vướng" vì không định giá đất được. Nhiều cán bộ địa phương sợ sai không dám làm. Và, luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực sẽ giải quyết được những vấn đề này.

"Về định giá đất thì khi luật có hiệu lực sẽ làm rất minh bạch và yêu cầu địa phương phải công khai, phải đưa ra thành quy định. Khi có quy định rõ ràng thì cán bộ thừa hành rất yên tâm không làm sai khi giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư. Nếu không có quy định trong luật thì cán bộ rất sợ, vì khi làm sẽ không biết mình đang làm đúng hay làm sai", ông Chính nói.

Chia sẻ về tác động của 3 luật mới đến thị trường bất động sản, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, 3 luật liên quan có nhiều quy định tháo gỡ vướng mắc, giúp nguồn cung tăng dần.

Theo ông Dũng, tác động chung của 3 luật này đến thị trường bất động sản là rất lớn. Thị trường phụ thuộc nguồn cung, trong khi đó nguồn cung là việc triển khai thực hiện dự án từ đất đai, vốn để triển khai dự án. Nếu nguồn lực về đất đai được cởi mở, quá trình triển khai liên quan đến luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản sẽ thay đổi.

"Trước đây, đối với luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản có các nhóm vướng mắc liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư nhà ở thương mại, liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, điều kiện kinh doanh bất động sản thu hồi, điều kiện thị trường bất động sản của các chủ thể tham gia (nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản)… Khi 3 luật cùng có hiệu lực, các vướng mắc này đều được giải quyết", ông Dũng nói.

Cán bộ hết 'sợ sai' khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực- Ảnh 2.

Quang cảnh buổi tọa đàm

KHẮC HIẾU

Các bên liên quan sẽ biết sai ở đâu để sửa

Chia sẻ về góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của OneHousing, cho biết điều đầu tiên mà hành lang pháp lý mới mang lại là giải thoát họ khỏi những gì đang mắc kẹt. Bởi lẽ, trước đây có những dự án bán hết từ năm 2015, nhưng đến bây giờ chưa có cơ sở quyết định quyền sử dụng đất, chưa có cơ sở cấp giấy chứng nhận cho người dân dù đã về ở. Tiếp đó, các luật mới sẽ định hình, sàng lọc nhà đầu tư rất rõ ràng.

"Nếu như chặng đường 10 năm, 15 năm trước đây, cứ có đất là sẽ góp vốn và trở thành một chủ đầu tư. Nhưng tôi nghĩ rằng sắp tới dù có đất cũng chưa chắc đã làm được bởi vì liên quan đến đầu ra, liệu có phù hợp thị trường hay không, có được xã hội đón nhận hay không", ông Trung chia sẻ thêm.

Cán bộ hết 'sợ sai' khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm

KHẮC HIẾU

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, dự án bất động sản vừa trải qua một đợt khủng hoảng. Có tới hàng nghìn dự án phải dừng lại không triển khai được.

Lý do là vì vướng mắc về thể chế, pháp lý mâu thuẫn chồng chéo, bất cập khi "đúng theo điều này nhưng lại vướng sai điều khác", dẫn tới cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép được cho dự án. Theo thống kê, có tới trên 3 tỉ USD "nằm tại" các dự án bất động sản không triển khai được.

"Từ các luật có hiệu lực, với mỗi dự án, doanh nghiệp sẽ biết sai ở đâu để sửa, chính quyền cũng sẽ biết sai ở đâu và sửa, để cấp phép cho dự án theo đúng quy định pháp luật. Tôi đánh giá, luật ban hành tạo ra sự công bằng, minh bạch, hướng tới chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn", ông Đính nói.

Đề cập đến hiện tượng tăng giá bất động sản trong bối cảnh kinh tế thị trường, thu nhập người dân chưa phục hồi, ông Đính cho rằng do có sự tác động từ nhóm lợi ích nào đó. Bởi lẽ, giá nhà tăng cao, nhưng giao dịch lại không xuất hiện. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân khiến giá chung cư, giá bất động sản tăng là do thiếu nguồn cung.

"Hy vọng bắt đầu từ hôm nay, nhiều dự án được tháo gỡ, nguồn cung sẽ được đẩy vào thị trường nhiều hơn. Nhiều sự lựa chọn về chung cư, chung cư mini, condotel, căn hộ nghỉ dường, nhà ở chất lượng sẽ xuất hiện phong phú, giảm áp lực cung cầu, giá cả sẽ được điều chỉnh", ông Đính bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.