Theo tờ trình, Bộ Nội vụ đánh giá bên cạnh những mặt tích cực, thời gian qua vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân, tổ chức và đồng nghiệp.
Cùng với đó là những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật gây ảnh hưởng đến uy tín của bộ, địa phương và hình ảnh của cán bộ, công chức, viên chức...
Thực trạng trên xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một trong số này là vẫn còn tình trạng nể nang, hình thức, chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chủ yếu vẫn làm theo chuyên đề, theo đợt cao điểm. Việc xử lý vi phạm về đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa mang tính răn đe, chưa thật sự nghiêm…
Bộ Nội vụ cho rằng phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ làm căn cứ để các bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất cả nước.
Theo đó, dự thảo quy định 4 chuẩn mực đạo đức với cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm: tinh thần phục vụ, liêm khiết, chính trực, tận tụy và tiết kiệm, chống lãng phí.
Cụ thể các chuẩn mực này, dự thảo nêu rõ: cán bộ, công chức, viên chức giao tiếp với công dân phải nghiêm túc, lịch sự, đúng mực, ngôn ngữ chuẩn mực, rõ ràng; không hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc.
Ngoài ra, cần tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho người dân về quy trình, thủ tục; kịp thời giải quyết và thông báo kết quả giải quyết theo quy định; tôn trọng phong tục, tập quán, văn hóa của người nước ngoài; chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị, không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng.
Cán bộ, công chức, viên chức cần trong sạch, không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cá nhân, tổ chức; không ham quyền lực; không chạy chức, chạy quyền; không sử dụng công quỹ, tài sản của cơ quan, của Nhà nước vào những việc mang tính vụ lợi; kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham ô và trục lợi tài sản công.
Cùng với đó, phải trung thực, đúng mực, công tâm, thẳng thắn, không xu nịnh; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung; kiên quyết bảo vệ lẽ phải, không bao che những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức.
Trong giao tiếp với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, phối hợp, tương trợ; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc; giữ gìn uy tín, danh dự của đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ…
Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định đạo đức công vụ, tùy theo tính chất, mức độ, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)