|
Xẻ đất rừng chia nhau
Theo cáo trạng, năm 2007, Trần Trung Vũ, Trưởng ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đầm Dơi, bàn với một số cán bộ khác giao khoán đất rừng phòng hộ xung yếu tại tiểu khu 222 và 224 cho cán bộ cơ quan, ngành trong huyện và tỉnh để nuôi tôm cải thiện đời sống. Đến giữa năm 2008, ông Mai Thanh Trúc, người kế nhiệm ông Vũ, làm tờ trình gửi ông Nguyễn Văn Tuồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, thẩm định. Hồ sơ sau đó được chuyển tới ông Trần Xuân Khuya, Phó chủ tịch UBND huyện, và được ông Khuya ra quyết định giao khoán đất rừng phòng hộ cho 14 hộ, thực chất đều là người nhà của các vị lãnh đạo huyện này.
Đây là vụ án vi phạm các quy định về quản lý rừng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can trong vụ án là những cán bộ lãnh đạo đã lạm dụng chức vụ quyền hạn được giao để giao khoán đất rừng, chuyển mục đích sử dụng và khai thác lâm sản, giao khoán hơn 65 ha rừng phòng hộ xung yếu trái quy định. Tháng 4.2009, Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Cà Mau ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can Trần Xuân Khuya, Nguyễn Văn Tuồng, Nguyễn Bình Nguyên (Chánh văn phòng UBND huyện), Trần Trung Vũ (Trưởng phòng TN-MT) và Mai Thanh Trúc với tội danh “vi phạm các quy định về quản lý rừng”.
Vụ án đã được TAND tỉnh Cà Mau đưa ra xét xử sơ thẩm vào đầu năm 2012. Đến ngày 13.9.2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM sửa án sơ thẩm, tăng hình phạt các bị cáo Trần Trung Vũ, Mai Thanh Trúc từ 2 năm tù lên 3 năm tù (thời gian thử thách là 5 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm); Nguyễn Văn Tuồng từ 18 tháng tù lên 30 tháng tù (thời gian thử thách 4 năm); Trần Xuân Khuya và Nguyễn Bình Nguyên mỗi người 2 năm tù (thời gian thử thách 3 năm). Tất cả đều được hưởng án treo.
Phá rừng được giao… giữ rừng
Tiếp xúc với Thanh Niên ngày 28.9, ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND H.Đầm Dơi, cho biết hiện ông Khuya đang đi giám định sức khỏe để nghỉ hưu theo chế độ; ông Tuồng thì chưa có quyết định cuối cùng là nghỉ chờ đến tuổi để giám định sức khỏe nghỉ hưu hay đi làm lại. Đối với các trường hợp khác, UBND huyện đã bàn và thống nhất phân công ông Mai Xuân Trúc “trở về” đơn vị cũ là BQL rừng phòng hộ Đầm Dơi; ông Trần Trung Vũ, Nguyễn Bình Nguyên về Văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Phòng TN-MT) và các ông này sẽ làm việc kể từ đầu tháng 10.
“Bản án có hiệu lực từ tháng 9.2012 nhưng đến nay chúng tôi mới bố trí đơn vị công tác theo quy định được vì vướng phải phản ứng gay gắt từ người dân và cán bộ, phải chờ xin ý kiến từ Sở Nội vụ đến Bộ Nội vụ. Theo quy định, không buộc thôi việc những công chức vi phạm pháp luật khi bị tòa án xử phạt tù cho hưởng án treo. Nhưng một người bị tòa án xử phạt về hình sự đang thụ án, uy tín của họ bị giảm sút nghiêm trọng nên đảm đương công việc mang tính chất thanh liêm, mẫu mực rất khó. Họ đã có đơn yêu cầu đề nghị bố trí lại việc làm cho họ theo quy định, thì phải giải quyết”, ông Tòng băn khoăn.
Ông Tòng cũng cho biết là hiện cán bộ hưu trí, công nhân viên chức và cả cử tri địa phương vẫn đang phản ứng quyết liệt quyết định bố trí lại việc làm cho những người này.
Chia đất rừng cho vợ con
Theo cáo trạng, những người được chia đất rừng phòng hộ gồm có Trần Hải Đăng (con ông Khuya), Trương Ánh Nguyệt (vợ ông Nguyễn Đức Nhựt - Bí thư Đảng ủy xã Tạ An Khương), Nguyễn Hồng Cúc (vợ ông Huỳnh Anh Kiệt - Phó giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau), Trần Cẩm Nhung - cán bộ Phòng TN-MT Đầm Dơi (vợ Nguyễn Bình Nguyên), Phạm Kiều Nghi (con ông Phạm Chí Dũng - Phó bí thư Huyện ủy Đầm Dơi); Phạm Thị Hận (vợ ông Tuồng) và 7 cán bộ của BQL rừng phòng hộ Đầm Dơi... với tổng diện tích 57,8 ha. Cáo trạng cũng xác định các đối tượng đã đào kinh mương 23 ha đất rừng, khai thác 26,8 ha để lấy 41,8 m3 củi gỗ bán thu về 220 triệu đồng và lấy toàn bộ diện tích này để nuôi tôm.
|
Phương n
>> Nhiều cán bộ xã tự cấp đất rừng cho mình
>> Làm rõ việc cán bộ quản lý rừng có nhiều đất rừng
>> Cán bộ quản lý rừng bán đất rừng
>> Khai thác đất rừng trái phép
Bình luận (0)