Cần bộ quy tắc cho công chức tương tác với người dân trên không gian mạng

Đình Phú
Đình Phú
14/12/2018 08:26 GMT+7

Việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết.

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT (cơ quan chủ trì triển khai chỉ đạo của UBND TP.HCM về xây dựng, vận hành “hệ thống 1022”), cho hay hiện TP.HCM chưa có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho cán bộ, công chức; tuy nhiên thực tế rất cần có bộ quy tắc ứng xử này.
“Thời gian tới, TP có thể tính toán để ban hành trong nội bộ cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị hành chính trực thuộc. Trong trường hợp Bộ TT-TT ban hành, thì TP có thể áp dụng. Hiện TP chỉ có bộ quy tắc ứng xử, trong đó quy định quy tắc ứng xử, thái độ phục vụ dân trong thực thi công vụ, mà chưa chế tài trên không gian mạng xã hội. Nếu yêu cầu công chức có thái độ chuẩn mực trong công vụ ở môi trường hành chính thực, thì cũng cần có những yêu cầu tương ứng khi công chức tương tác với người dân trên không gian mạng”, ông Cường nói.
Ông Lê Hoài Trung, nguyên Phó giám đốc thường trực Sở Nội vụ TP, cho rằng việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay.
Theo ông Trung, trên thế giới có nhiều nước cũng đã làm việc này, với tinh thần chung là yêu cầu công chức không được ứng xử trên mạng xã hội trái với các chuẩn mực về đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; đồng thời không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền...
“Nhiều nước cũng đã làm, công khai hóa và họ kiểm soát rất chặt. Để phù hợp xu thế chung và góp phần tạo văn hóa ứng xử trên không gian mạng phù hợp quy định pháp luật, chúng ta cần thiết phải làm, chứ để thả nổi như bây giờ thì loạn, rất tiêu cực. Cần phải nhất quán một điều là không cấm sử dụng mạng xã hội, nhưng rõ ràng thực tế đòi hỏi và cần đến những quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng. Chuyện này không chỉ dừng lại ở mức độ mong muốn, mà phải sớm có bộ quy tắc ứng xử, trước hết đối với cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước bởi họ là người của bộ máy thực thi công vụ, phải chịu sự điều tiết và quản lý của công vụ”, ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho rằng, thực tế hiện nay vẫn chưa kiểm soát tốt thuê bao điện thoại di động dẫn đến hệ lụy là không tránh được tình trạng cán bộ, công chức sử dụng thuê bao “nặc danh” để lập trang mạng xã hội, dùng hình ảnh “ảo” để tương tác trên không gian mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.