'Cán bộ trình độ hạn chế nên làm gì cũng sợ sai'

Mai Hà
Mai Hà
31/05/2023 11:14 GMT+7

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) băn khoăn đến nay đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu không thực hiện được nhiệm vụ? Trong khi đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì chỉ rõ, một bộ phận cán bộ năng lực, trình độ hạn chế nên làm gì cũng sợ sai.

Tranh luận về câu chuyện né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ tại hội trường Quốc hội sáng 31.5, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm đã có từ lâu chứ không phải hiện tượng mới có gần đây. Vấn đề ở chỗ, gần đây dường như tình trạng này phức tạp hơn, nặng hơn.

'Cán bộ trình độ hạn chế nên làm gì cũng sợ sai' - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

GIA HÂN

Đồng tình với các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà một đại biểu đã góp ý trước đó, song theo đại biểu Tô Văn Tám, còn có nguyên nhân một bộ phận do năng lực, trình độ hạn chế, việc nắm bắt quy định pháp luật hạn chế nên làm gì cũng sợ sai. 

"Không dám làm nên hoặc né tránh, hoặc đùn đẩy. Người dân hay nói "sáng cắp ô đi, tối cắp về", phải rà soát, nắm cho được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý bộ phận này", ông Tám nêu.

Theo báo cáo kết quả đánh giá cán bộ năm 2021, có 1,72% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói báo cáo đánh giá chưa sát thực tế, vì thế đại biểu đề xuất cần rà soát để có con số chính xác và có hướng xử lý.

Về giải pháp, theo ông, ngoài việc gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong thực thi công vụ, cũng cần cá thể hóa, gắn trách nhiệm với tập thể, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, sửa đổi xây dựng văn bản pháp luật. Vì việc chậm ban hành văn bản chi tiết vẫn chậm được khắc phục.

"Nguồn cảm hứng sáng tạo, phá rào, dám làm từ "cởi trói" khoán sản phẩm nông nghiệp cuối những năm 70 thế kỷ trước hay những đêm trước đổi mới vẫn còn. Nhưng đặc biệt bây giờ rất cần cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bộ Chính trị có Quyết định 14 rồi, đề nghị Chính phủ sớm cá thể hóa việc bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm", ông Tám đề xuất.

Đã xử lý bao nhiêu người đứng đầu không thực hiện nhiệm vụ?

Cũng góp ý tranh luận về căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu vấn đề: phải bắt bệnh thế nào cho đúng?

'Cán bộ trình độ hạn chế nên làm gì cũng sợ sai' - Ảnh 2.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

GIA HÂN

Dẫn ra ví dụ đầu tư công, nếu triển khai đúng kế hoạch sẽ đóng góp giúp kinh tế tăng trưởng thêm 2%, nhưng tính đến thời điểm này, giải ngân đầu tư công mới đạt tỷ lệ 14,6%. Ông cũng băn khoăn khi đây là năm thứ 3 thực hiện đầu tư công trung hạn, càng về cuối càng phải giải ngân cao và nhanh hơn.

Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ bằng các cuộc họp bất thường, tháo gỡ khó khăn. Thực tế nhiều tỉnh giải ngân rất tốt, như Yên Bái, song nhiều tỉnh vẫn rất chậm. "Thủ tướng cũng đã phân cấp, phân quyền, rất quyết liệt với 2 công điện để đốc thúc, chấn chỉnh giải ngân. Nhưng tại sao vẫn không được?", ông Hạ nêu.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cũng chia sẻ thực tế khi trao đổi với cơ sở, cán bộ tâm sự là: "Chúng em là cán bộ mà không làm thì lãnh đạo bị xử lý đến nơi đến chốn. Nhưng cái khó là tham mưu vừa phải đúng quy định pháp luật nhưng cũng phải đúng ý chỉ đạo của sếp. Cái khó tham mưu ở chỗ đó, nên không xử lý được cán bộ không tham mưu". Vì vậy, theo ông, quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

"Phải xem lại đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu không thực hiện nhiệm vụ, bao nhiêu người đã cho đứng sang một bên", ông Hạ nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.