Cán bộ vi phạm cứ đóng nhiều tiền khắc phục hậu quả, sẽ được giảm án?

Ngân Nga
Ngân Nga
21/05/2024 04:21 GMT+7

Không phải tòa cấp sơ thẩm xử mức án nghiêm khắc là các cựu cán bộ vi phạm kháng cáo, rồi chủ động đóng thêm tiền khắc phục hậu quả là được giảm án.

Ngày 17.5, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức Nguyễn Minh Quân, tuyên y án sơ thẩm 21 năm tù đối với bị cáo về tội tham ô tài sản (16 năm tù) và tội rửa tiền (5 năm tù). 

Một trong những lý do tòa bác kháng cáo, là mặc dù bị cáo Quân nộp thêm 400 triệu đồng khắc phục hậu quả, để xin được giảm án, nhưng số tiền này quá nhỏ so với số tiền mà bị cáo phải bồi thường cho bệnh viện khoảng 88 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức, TP.HCM

Bị cáo Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức, TP.HCM

NHẬT THỊNH

Trong vụ án cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh bị xử lý về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, hôm 3.5, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, giảm án cho bị cáo từ 4 năm xuống còn 3 năm tù.

Cơ quan điều tra đã thu hồi được toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 365 tỉ đồng, thế nhưng tại phiên tòa, bị cáo Hạnh vẫn có thiện chí tự động nộp thêm 30 triệu đồng, để mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Vụ án Thuduc House: Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM được giảm án tù

Vậy vấn đề đặt ra là những bị cáo phạm tội tham ô tài sản và những vụ án liên quan đến án kinh tế phải đóng bao nhiêu tiền để khắc phục hậu quả, mới được xem xét giảm án và mức giảm án ra sao?

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Mai Thanh Bình (Công ty luật TNHH Mai Thanh Bình) chia sẻ, căn cứ điểm b khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự, thì người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ.

Nếu do tác động của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội buộc phải sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả, người phạm tội mới thực hiện theo thì không được xem là tình tiết giảm nhẹ để áp dụng. Việc tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả phải xảy ra trước khi tuyên án và thuộc ở cấp nào thì cấp đó coi là tình tiết giảm nhẹ.

Hiện nay, pháp luật không quy định rõ mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả là bao nhiêu thì người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả phải tương xứng với thiệt hại gây ra cho bị hại. Nếu vụ án có đồng phạm thì sẽ được phân hóa trách nhiệm hình sự, từ đó mức bồi thường, khắc phục hậu quả cũng sẽ tương xứng với vai trò trong vụ án, thì người thực hiện hành vi mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Chỉ duy nhất tại điểm c khoản 3 điều 40 bộ luật Hình sự quy định, để không bị thi hành án tử hình, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ. Đồng thời, người phạm tội phải hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, mới được giảm xuống hình phạt nhẹ hơn.

Cũng theo luật sư Thanh Bình, căn cứ điều 357 bộ luật Tố tụng hình sự, khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như: giảm hình phạt cho bị cáo, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn…

"Việc các bị cáo tự nguyện nộp thêm tiền chỉ được xem là tình tiết mới của vụ án. Từ đó, hội đồng xét xử phúc thẩm có thể xem đó là tình tiết mới để có thể giảm án. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, tòa án vẫn phải cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự", luật sư Thanh Bình phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.