Cần cẩn trọng khi sử dụng đường cát

23/02/2012 08:45 GMT+7

Hiện nay, các nhà máy đường ở ĐBSCL đều sản xuất ra đường cát trắng,  không còn sản xuất và cung cấp loại đường có màu vàng (người dân thường gọi là đường mỡ gà) để cung cấp ra thị trường nữa. Tuy nhiên, lượng đường màu vàng này xuất hiện khá nhiều trên thị trường, khiến người tiêu dùng “không biết đâu mà lần”.

“Pha chế” tùy tiện

Tháng trước, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Q.Cái Răng (TP.Cần Thơ) tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh đường cát của ông Lê Văn Thích (ở khu vực Yên Bình, P.Lê Bình, Q.Cái Răng) đang dùng máy để trộn phẩm màu không rõ nguồn gốc vào đường cát trắng để biến thành đường màu vàng kem chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Đoàn kiểm tra đã  lập biên bản vi phạm hành chính,  đồng thời  niêm phong hơn  10 kg phẩm màu (không rõ nguồn gốc), 300 bao đường cát trắng không có hóa đơn chứng từ...

Theo khai nhận của ông  Thích,  hiện nay  trên thị trường  chủng loại đường cát màu kem được người tiêu dùng- nhất là người dân tại dùng nông thôn- ưa thích và sử dụng rất mạnh vì cho rằng đường chưa được tẩy trắng nên  ít độc hại  và có độ ngọt “đậm đà” hơn  so với đường cát trắng tinh do các nhà máy lớn  hiện đang sản xuất. Từ đó ông đã nghĩ ra cách để làm thay đổi màu của đường cát trắng thành màu kem,  bằng cách mua đường cát trắng  bao 50 kg về, đổ vào máy  rồi  lấy  phẩm màu mua trôi nổi trên thị trường (không rõ tên và nguồn gốc)  pha với  nước lã tạo  thành hỗn hợp  để phun vào đường cát  trắng. Sau đó dùng  máy trộn để trộn đều,  tạo ra chủng loại đường cát có màu  vàng kem nhìn rất đẹp mắt để bán ra thị trường. Ngoài việc pha phẩm màu không rõ nguồn gốc, theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, “lò” pha chế của ông Thích vô cùng dơ bẩn, đường được đổ trực tiếp xuống nền nhà rất mất vệ sinh, nhân công và chủ cơ sở dẫm đạp lên đường hết sức “vô tư” trước khi đóng gói để đưa đi tiêu thụ.

 
Đường cát vàng không rõ nguồn gốc được bán ở các chợ trung tâm TP. Cần Thơ - Ảnh: Đức Khánh

Được người quen giới thiệu, chúng tôi vào vai một tay “lái đường”, có nhu cầu tiêu thụ đường mỡ gà với số lượng lớn về bỏ mối nhỏ lẻ cho những người làm bánh, nấu chè... Chị K., một tiểu thương tại chợ Cái Khế, cho biết chị thường xuyên lấy đường cát vàng ở Thốt Nốt.  Khu vực này từ lâu được ví như “đầu não” để tuồn đường vàng đi các chợ đầu mối và các chợ nông thôn khắp miền Tây.  Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, qui trình “sản xuất” đường vàng tại nơi được xem là  “đầu não” này cũng chẳng khác gì cách của ông Lê Văn Thích-nghĩa là cũng mua đường cát trắng đã thành phẩm vầ rồi lấy phẩm màu mua trôi nổi trên thị trường pha với nước lã tạo thành hỗn hợp để phun vào đường cát trắng, sau đó dùng máy trộn đều để “chế biến” ra loại đường cát có màu vàng kem.

Người tiêu dùng bị đánh lừa

Bà Nguyễn Thị  Phỉ, ngụ Khu vực Bình Thường B, P.Long Tuyền (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), nói: “Tôi thường sử dụng loại đường màu vàng vì nó ngọt hơn và nghe nói tốt hơn loại đường trắng vì không có hóa chất tẩy trắng. Bây giờ, nghe thông tin mới biết mình bị lừa. Hóa ra loại đường bị trộn hóa chất tạo màu không rõ nguồn gốc này còn độc hại hơn nhiều”.

Còn ông Thông, chủ cửa hàng tạp hóa ở huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), thì cho biết mặc dù loại đường cát trắng được trộn phẩm màu biến thành đường vàng hiện có giá ngang bằng với đường cát trắng, thậm chí đắt hơn chút ít, nhưng người ta vẫn mua vì lầm tưởng là đường vàng mỡ gà ngày xưa. Theo ông Thông, việc này chỉ có người bán mới biết chứ người tiêu dùng thì hoàn toàn không biết, bởi vì toàn bộ đường đã được nhuộm sang màu vàng óng.

Cửa hàng tạp hóa ngay trong nhà lồng chợ Trà Ôn (H.Trà Ôn, Vĩnh Long) cũng bày bán loại đường màu vàng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, chủ cửa hàng,  cho biết loại đường này lâu nay do người bỏ mối giao. Dù đã bán loại đường này khá lâu, nhưng bà Điệp cũng không biết rằng đây là loại đước trộn hóa chất không rõ nguồn gốc, chỉ biết chung chung là đường mỡ gà, nhiều người rất thích sử dụng.

Đường vàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng

Ông Phạm Quang Vinh,  Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO), cho biết hiện nay, CASUCO chỉ sản xuất ra một loại đường duy nhất là đường cát trắng. Lượng đường cát vàng tiêu thụ trên thị trường là do những kẻ hám lợi trộn phẩm màu và nước vào để nhằm làm tăng trọng lượng của đường nhằm kiếm lời bất chính. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh, nói: “Từ 5-6 năm nay, hầu hết các nhà máy đường đều đã đổi mới công nghệ để sản xuất ra đường tinh luyện hay còn gọi là đường cát trắng.  Đây là loại đường tinh luyện, đã loại bỏ tạp chất nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như loại đường màu vàng có nhiều tạp chất.  Vì vậy, đường cát trắng có nhiều ưu điểm hơn và hoàn toàn không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng”.

Bà Trần Thị Tuyết, chủ sạp tạp hóa Hưng (chợ Trà Ôn, Vĩnh Long) kiên quyết không bán đường vàng vì biết rằng loại đường này ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. “Tôi biết công nghệ làm đường vàng theo thủ công: Một là chế nước màu vào trộn đều thì đường sẽ vàng và cân nặng hơn; hai là mua đường trắng số lượng lớn đem về cho hóa chất vào rồi phun nước trộn đều lên sẽ cho đường vàng. Tâm lý người tiêu dùng cứ nghĩ đường này sẽ ít hóa chất hơn là đường tinh luyện nhưng thực chất hoàn toàn trái ngược. Bản thân tôi phải tư vấn cho người tiêu dùng sử dụng đường tinh luyện nhưng nhiều người vẫn không nghe”, bà Tuyết nói.

Đường cát trắng có độ tinh khiết cao

Xin ông cho biết hành vi dùng hóa chất không rõ nguồn gốc để “biến” đường cát trắng thành đường vàng  để bán ra thị trường của ông Lê Văn Thích có vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không?

 
Ông Đàm Hồng Hải,  Phó Chi cục trưởng Chi Cục VSATTP TP. Cần Thơ

Tất nhiên là sai rồi. Vì đây là hành vi sử dụng hóa chất, chất phụ gia không rõ nguồn gốc. Theo Nghị định 45/CP và Nghị định số 06/2008/NĐ-CP, hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, nếu kiểm tra loại hóa chất trong diện cấm, thì cơ sở sẽ bị phạt bổ sung với hành vi tương ứng. Theo biên bản của đoàn kiểm tra, cơ sở của ông Thích còn vi phạm các nội dung khác như khu vực chế biến, pha trộn, đóng gói sản phẩm rất kém vệ sinh, cơ sở không có hồ sơ đăng ký đủ điều kiện VSATTP, không có công bố chất phụ gia trong quá trình chế biến…Như vậy, cơ sở này có thể bị  xử phạt bổ sung.

Được biết trong quá trình sản xuất, chế biến,  để làm trắng đường cát, nhà sản xuất có dùng một số hóa chất,  như: chất vôi Ca(OH)2, Sodium hyposulfite (Na2S2O4), Sulfur dioxide (SO2), CO2. Các chất này có gây ảnh hưởng sức khỏe và thuộc diện cấm sử dụng không?

Trong công nghệ sản xuất đường, các chất trên được phép sử dụng trong trong công đoạn làm trắng đường từ dịch đường (có màu nâu). Quy trình chế biến này gọi là “phương pháp sulphite hóa”, hoặc “carbonate hóa” để loại bỏ tạp chất và tạo cho sản phẩm có độ tinh khiết cao.  Phương pháp này được chấp nhận theo quy chế hiện hành tại Việt Nam. Với liều lượng hóa chất sử dụng và qua khâu trung hòa, theo quy trình công bố được ngành chức năng cho phép và hóa chất sử dụng là dạng chuyên dùng trong công nghệ thực phẩm (food grade), thì sản phẩm đường thành phẩm không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo ông thì vì sao cơ sở của ông Thích lại dùng phẩm màu để nhuộm cho đường cát trắng có màu vàng mà không chọn mua đường vàng để bán?

Đường cát vàng phổ biến trên thị trường bấy lâu nay thực chất là loại đường ly trích cùng nguyên liệu là mía, chưa qua khâu tinh luyện và làm  trắng (độ ẩm, hàm lượng saccharose, vitamine có thể cao hơn một ít và ngọt hơn đường cát trắng trên cùng trọng lượng). Đường vàng thường dùng với mục đích nấu chè, làm bánh. Nếu sản phẩm đường cát vàng được chế biến đúng quy trình, đúng phương pháp thì việc mua bán với mục đích sử dụng trong thực phẩm là bình thường. Trường hợp của ông Thích theo tôi là sự cố ý làm giả; sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc và có khả năng cho thêm hóa chất (như acid citric…) nên mới bị xem là hành vi sai phạm trong lĩnh vực VSATTP. Có lẽ cơ sở muốn chạy theo thị hiếu tiêu dùng, đó là chưa kể dụng ý làm tăng trọng lượng đường pha chế lại (vì có khả năng phun thêm nước làm tăng độ ẩm, sẽ tăng trọng lượng sản phẩm bán ra).

BS Võ Văn Khiêm, Trưởng phòng Y tế Q.Cái Răng (TP.Cần Thơ)  vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với ông Lê Văn Thích bằng hình thức phạt tiền với số tiền 25 triệu đồng, do các hành vi: kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do cơ quan có thẩm quyền cấp; kinh doanh thực phẩm có pha màu (không rõ tên, nguồn gốc)… 

Mai Trâm (thực hiện)

Phương Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.