Nhưng Đồ Sơn ngày nay đã mất đi vị thế một phần do các vị trí đất vàng để khai thác, phát triển du lịch bị chia nhỏ bởi nhiều công trình đang xuống cấp rồi để hoang hóa của các bộ, ngành T.Ư.
Từ xa xưa, Đồ Sơn được biết đến với phong cảnh hữu tình, khí hậu ôn hòa.
Đến đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp nhận thấy nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, bãi biển đẹp mà khí hậu mát mẻ nên đã nhanh chóng khai thác vùng đất này thành khu du lịch.
Sau năm 1975, khu du lịch Đồ Sơn chính thức được các bộ, ngành, đơn vị T.Ư "khoanh đất" để xây dựng các công trình nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, một số bộ, ngành đất sử dụng không hết, không hiệu quả, chia nhỏ thành nhiều ô, nền cho người dân thuê xây dựng các công trình tạm bợ kinh doanh ăn uống...
Khu đất của Bộ Xây dựng (tại Khu 2 Đồ Sơn) cũng được chia nhỏ cho thuê kinh doanh... Trải qua gần nửa thế kỷ, các công trình đã dần xuống cấp. Trong đó, tại khu 3 Đồ Sơn có rất nhiều công trình lưu trú, dịch vụ ăn uống nhìn nhếch nhác, chẳng khác nào những công trình bỏ hoang.
Theo thống kê của UBND Q.Đồ Sơn, hiện khu du lịch Đồ Sơn có khoảng 134 cơ sở lưu trú du lịch. Trong số đó, có nhiều cơ sở lưu trú thuộc các bộ, ngành T.Ư quản lý với diện tích đất rất lớn, nằm ở các vị trí đắc địa. Tuy nhiên, đáng chú ý là các cơ sở trên đã xuống cấp, xập xệ nhưng lại thiếu sự đầu tư cải tạo, sửa chữa.
Thậm chí không ít cơ sở hạ tầng dịch vụ ăn nghỉ còn bị bỏ hoang. Điều này không chỉ gây lãng phí đất đai mà còn làm mất mỹ quan khu du lịch Đồ Sơn, ảnh hưởng lớn đến thu hút khách du lịch…
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 13.5
Trước tình trạng trên, UBND TP.Hải Phòng cũng như Q.Đồ Sơn mong muốn Chính phủ sớm có quyết sách để Hải Phòng sớm thực hiện triển khai quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại bán đảo Đồ Sơn.
Cận cảnh một số công trình dịch vụ ăn, nghỉ xuống cấp của các bộ, ngành T.Ư tại khu du lịch Đồ Sơn:
Bình luận (0)