HĐND TP.Đà Nẵng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công viên phía tây đền thờ Thoại Ngọc Hầu (di tích lịch sử quốc gia thuộc P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà).
Dự án do UBND Q.Sơn Trà làm chủ đầu tư với tổng mức gần 71 tỉ đồng. Dự án sẽ hình thành cụm công viên cảnh quan, vườn dạo kết hợp bãi đỗ xe, các tiện ích công cộng phục vụ nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, du khách; đồng thời kết hợp với đền thờ Thoại Ngọc Hầu hình thành cụm điểm nhấn văn hóa lịch sử tại khu vực.
Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2007
HOÀNG SƠN
Sau khi dự án chính thức được HĐND TP.Đà Nẵng ra nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư, PV Thanh Niên đã khảo sát thực tế tại khu vực chuẩn bị triển khai dự án này và ghi nhận khu đất nằm cạnh đền thờ Thoại Ngọc Hầu tại ngã ba đường Trần Hưng Đạo – Hà Thị Thân hiện đang trong tình trạng hết sức nhếch nhác.
Tại khu vực này, nhà cửa người dân đã được xây dựng nhiều năm và đang xuống cấp nghiêm trọng. Do là nơi buôn bán, tập kết phế liệu nên dù nằm sát địa điểm đến tâm linh, du lịch nhưng khu đất có nhiều điểm gây ô nhiễm.
Cảnh quan vỉa hè tại góc đường Hà Thị Thân - Trần Hưng Đạo khá nhếch nhác, cỏ um tùm ngoài rìa
HOÀNG SƠN
Bên trong khu dân cư chuẩn bị di dời giải tỏa là khung cảnh bề bộn, bởi đây là khu vực người dân buôn bán, tập kết phế liệu. Theo kế hoạch, UBND Q.Sơn Trà sẽ dành khoảng 51,5 tỉ đồng để thu hồi toàn bộ 10 thửa đất thổ cư (trong đó có 11 hộ chính, 3 hộ phụ) và phần diện tích đất thổ cư khu dân cư hiện trạng; thời gian thực hiện từ nay đến năm 2025
HOÀNG SƠN
Điểm đặc biệt là ở không gian dự án khu công viên phía tây đền thờ Thoại Ngọc Hầu có thiết kế mặt nước xuyên suốt kết nối theo hướng Đông – Tây với ý nghĩa mô phỏng kênh Vĩnh Tế nhằm tái hiện công lao khai phá của ngài Thoại Ngọc Hầu; bắc qua con kênh là một cây cầu nhỏ nằm ở phía đông, nối 2 bờ cảnh quan có phong cách và không gian kiến trúc khác nhau.
Đáng chú ý, tại công viên ở mép ranh giới tường của di tích đền thờ sẽ có một bức phù điêu khắc họa tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp và công lao của ngài Thoại Ngọc Hầu.
Dự kiến, chính quyền địa phương sẽ bố trí 19 lô tái định cư (gồm 1 lô đường 10,5 m, 9 lô đường 7,5 m, 9 lô đường 5,5 m) để tái định cư cho những hộ dân nằm trong khu vực dự án
HOÀNG SƠN
Theo UBND TP.Đà Nẵng, trong các di tích lịch sử trên địa bàn Q.Sơn Trà, nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu là một di sản lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây không chỉ là địa điểm lý tưởng để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau mà cho cả du khách khi đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, đền thờ Thoại Ngọc Hầu chỉ được tiếp cận đường Hà Thị Thân và bị khuất sau những cây đa cổ thụ lớn. Đến nay, khu di tích vẫn ít được người dân TP.Đà Nẵng biết đến và quan tâm.
Danh nhân Thoại Ngọc Hầu, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh ngày 26.11 năm Tân Tỵ (1761) tại làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, H.Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay là P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Ông mất ngày 6.6 năm Kỷ Sửu (1829) tại Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Ông là bậc công thần triều Nguyễn, từng giữ những chức vụ: Khâm sai thống binh cai cơ, Trấn thủ Định Tường, Trấn thủ Vĩnh Thanh, An thủ Châu Đốc đồn kiêm Quản quân vụ Hà Tiên...
Ông đã có công lớn trong công việc khai hoang lập ấp ở vùng Tây Nam bộ và đào các kênh Đông Xuyên, Vĩnh Tế. Ông cũng đã góp công xây dựng, tôn tạo các đình và nhà thờ tiền hiền làng An Hải, chùa An Phước.
Sau khi mất, Thoại Ngọc Hầu được vua Minh Mạng truy phong Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống; các vua Khải Định và Bảo Đại đều phong Bảo Trung hưng tôn thần. Để tỏ lòng tri ân công lao, sự nghiệp của ông, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng lập bia để đời sau ghi nhớ vào tháng 3.2009.
Bình luận