(TNO) Khu mộ của Huỳnh Ngọc hầu Phan Tấn Huỳnh (phụ tá đắc lực cho Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt) nằm sâu trong con hẻm 120 Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM) với tường rào bao quanh, dài hơn 12 m, rộng khoảng 6,5 m.
Tra cứu lịch sử chúng tôi thấy có rất ít tài liệu nói về Phan Tấn Huỳnh, chỉ biết rằng ông sinh trưởng ở đất Gia Định, là một trong những bộ tướng của Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh) chống lại quân Tây Sơn (cùng với Lê Văn Duyệt, Ngô Tùng Châu, Võ Tánh, Trương Tấn Bửu…). Sau khi Gia Long lên ngôi, năm 1807 ông được phong là Thần Sách tướng quân, Khâm sai Đô thống chế kiêm Hữu quân phó tướng dưới trướng của Tả quân - Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Từ năm 1809 đến 1816, ông phụng mệnh vua đi đánh dẹp “Mọi Đá Vách” (người dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi) lập được nhiều chiến công, vỗ an dân chúng được vua trọng thưởng.
Năm 1820, vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng nối ngôi, ông lại được cử vào Gia Định là phó tổng binh, năm 1822 thăng Tổng binh Gia Định thành giúp Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Ngoài tài dụng binh, cầm quân ông còn nổi tiếng “văn hay chữ tốt” (trên văn bia khắc ở bình phong hậu, có nói ông là người thảo soạn những tấu chương, văn biểu cho Lê Văn Duyệt để vị tổng trấn này bẩm báo lên các vị vua Gia Long, Minh Mạng). Không chỉ có vậy, ông còn được ghi công bởi thành tích khẩn hoang lập ấp, bình định những vùng đất mới mở nên được vua phong tước “hầu” với mỹ danh Huỳnh Ngọc hầu Phan Tấn Huỳnh.
Năm 1822 ông cáo quan lui về quê. Hai năm sau ông mất (1824). Có tài liệu nói rằng ông tự kết liễu đời mình vì tuổi già không muốn làm phiền con cháu…
Ngôi mộ của Phan Tấn Huỳnh rập theo phương thức xây dựng mộ của các danh thần, võ tướng triều Nguyễn - từ ngoài vào trong gồm: bình phong tiền, cổng (cửa), bia mộ, mộ và cuối cùng là bình phong hậu
Mặt trước bình phong tiền vẽ hình hổ, phía sau là cổng vào mộ, mỗi bên cổng có chạm hình con dơi trên đôi câu đối. Cổng có mái giả ngói ống, dưới có 4 chữ “đức hóa lê dân” (dùng đức để cảm hóa chúng dân). Vòm cửa khá thấp, chỉ cao khoảng 1,4 m để những ai bước vào khu mộ đều phải cúi đầu trước anh linh người đã khuất…
|
Mặt sau bình phong tiền vẽ phong cảnh (biển, núi, tảng đá, cây tùng…) cũng đã ố tróc nhuốm màu thời gian, bên dưới có bát nhang…
|
Bia trước mộ ghi: “Hoàng Việt, Huỳnh Ngọc hầu, nguyên Phiên An Tổng trấn, Phan công chi mộ. Minh Mệnh đệ ngũ niên (tức năm 1824-NV)”.
|
Sau bia là mộ có dạng liếp hình chữ nhật giật 2 cấp. Mộ khá thấp chỉ cao khoảng 0,3 m. Cuối cùng là bình phong hậu (sát tường nhà dân) có đế dạng sập chân quỳ. Trên bình phong hậu có dòng chữ quốc ngữ “Phan Công Tấn Huỳnh”, bên dưới là bài văn bia
|
Cận cảnh bài văn bia khắc 18 hàng (dọc) chữ Hán (khoảng 300 chữ) ghi lại công lao, thành tích của Huỳnh Ngọc hầu Phan Tấn Huỳnh chữ còn rất rõ nét
|
Bình luận (0)