Sau đây là cái nhìn cận cảnh về mạng lưới phòng không đa lớp của Israel:
Mũi tên (Arrow)
Mũi tên (tên tiếng Anh là The Arrow) do Israel và Mỹ phối hợp phát triển để đánh chặn những dòng tên lửa tầm xa, bao gồm nhóm tên lửa đạn đạo Iran khai hỏa trong cuộc tấn công vừa qua.
Trên thực tế, hệ thống Mũi tên-2 và Mũi tên-3 được thiết kế nhằm đối phó tên lửa Iran từ bên ngoài khí quyển trái đất. Cơ chế hoạt động của dòng tên lửa Israel là sử dụng đầu đạn có thể tách rời, va chạm gây nổ mục tiêu ở cao độ cho phép sử dụng bất kỳ đầu đạn phi ước lệ nào, theo Reuters.
Kịch bản nào Israel tấn công đáp trả Iran?
Hãng công nghệ Không gian Vũ trụ Israel (IAI) là nhà thầu chính của dự án Mũi tên, trong khi Boeing tham gia khâu sản xuất đầu đạn đánh chặn.
Ngày 31.10.2023, quân đội Israel lần đầu sử dụng hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa bắn từ biển Đỏ về hướng lãnh thổ nước này.
Ná của David (David's Sling)
Ná của David (tên tiếng Anh là David's Sling) được thiết kế để đánh chặn tên lửa tầm trung ở khoảng cách 100 đến 200 km, như loại nằm trong kho vũ khí của lực lượng Hezbollah ở Li Băng.
Do công ty Rafael (Israel) phát triển và sản xuất cùng nhà thầu Raytheon (Mỹ), Ná của David còn được sử dụng trong việc đánh chặn máy bay, UAV và tên lửa hành trình.
Người ái quốc (Patriot)
Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất là thành viên sớm nhất của mạng lưới phòng không đa lớp của Israel.
Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 vào năm 1991, hệ thống Patriot được triển khai và thành công bắn hạ các tên lửa Scud khai hỏa từ Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein.
Hiện hệ thống Patriot được sử dụng để bắn hạ máy bay, bao gồm UAV.
Vòm Sắt (Iron Dome)
Hệ thống Vòm Sắt do Israel phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ, chủ yếu xử lý rốc két tầm ngắn như loại thường được lực lượng Hamas ở Dải Gaza sử dụng. Ban đầu, Vòm Sắt chủ yếu đánh chặn rốc két tầm bắn từ 4 đến 70 km, nhưng giờ đây tầm đánh chặn đã được mở rộng.
Vòm Sắt được đưa vào sử dụng năm 2011. Mỗi tổ đội Vòm Sắt khai hỏa tên lửa dẫn đường bằng radar để nổ tung các mối đe dọa tầm ngắn như rốc két, pháo cối và UAV.
Rafael cho hay đã chuyển giao 2 khẩu đội Vòm Sắt cho quân đội Mỹ vào năm 2020. Ukraine cũng muốn mua Vòm Sắt trong cuộc xung đột với Nga, dù đến nay Israel mới chỉ cung cấp viện trợ nhân đạo và phòng thủ dân sự cho Kyiv.
Phiên bản hải quân của Vòm Sắt đã được triển năm 2017.
Israel không công bố dữ liệu gần đây về hiệu quả đánh chặn của Vòm Sắt, nhưng cho biết tỷ lệ bắn trúng mục tiêu là 90%.
Chùm tia Sắt (Iron Beam)
Israel đang phát triển hệ thống đánh chặn các mối đe dọa đang lao đến bằng công nghệ laser mang tên Chùm tia Sắt.
Theo nhận định của Israel, hệ thống mới sẽ là yếu tố "thay đổi cuộc chơi" trên bộ vì vận hành với chi phí rẻ hơn nhiều so với các hệ thống hiện tại. Mỗi lần đánh chặn bằng Chùm tia Sắt chỉ tốn khoảng 2 USD.
Nhà thầu chính của hệ thống Chùm tia Sắt là Rafael dự kiến Israel có thể đưa vào sử dụng vũ khí laser vào cuối năm sau, theo trang Breaking Defense.
Bình luận (0)