Cận cảnh vũ khí nội địa Việt Nam hiện đại: Bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng

Cận cảnh vũ khí nội địa Việt Nam hiện đại: Bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng

Võ Hiếu
Võ Hiếu
17/12/2024 10:45 GMT+7

Với các quốc gia, thông tin về vũ khí trang thiết bị - khí tài quân sự, luôn được coi là bí mật. Nhân 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, một số thành tựu về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí quân sự được công bố và lần đầu tiên, Báo Thanh Niên được phép tiếp xúc, tìm hiểu ở một số đơn vị nghiên cứu, sản xuất chuyên ngành thuộc Bộ Quốc phòng.

"Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Đó là lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập (22-12-1944 / 22-12-1964) và đó cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, là chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ.

Trong phòng truyền thống của Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), tấm hình Bác nói chuyện với GS. Trần Đại Nghĩa được phóng to, đặt ở nơi trang trọng nhất.

Cận cảnh vũ khí nội địa Việt Nam hiện đại: Bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng- Ảnh 1.

Phòng Truyền thống của Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng)

Ảnh: Võ Hiếu

Cận cảnh vũ khí nội địa Việt Nam hiện đại: Bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng- Ảnh 2.

Tấm hình Bác nói chuyện với GS. Trần Đại Nghĩa được phóng to, đặt ở nơi trang trọng nhất.

Ảnh: Võ Hiếu

Ra đời đầu năm 1947, Viện Vũ khí là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam với Viện trưởng đầu tiên là Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Ngay sau ngày thành lập, "Nha nghiên cứu kỹ thuật" (tiền thân của Viện Vũ khí) đã chế tạo thành công nhiều thiết bị với sự hiện đại không thua kém với các thiết bị quân sự trên thế giới lúc bấy giờ. Đến nay, sau gần 80 năm thành lập, Viện Vũ khí đã góp phần nâng cao chất lượng vũ khí trong quân đội, thông qua nhiều thành tựu đạt được trong quá trình nghiên cứu và chế tạo các loại vũ khí trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại, tối tân và đa dạng.

Những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngay sau ngày thành lập, Nha nghiên cứu kỹ thuật (tiền thân của Viện Vũ khí) đã chế tạo thành công súng bazoca với tầm bắn và sức xuyên phá tương tự như mẫu súng của Mỹ. Cuối 1948, khi thấy bộ đội ta có súng bazoca và đạn AT, có thể diệt xe tăng và xuyên thủng tường bê tông dày 30cm, quân Pháp cho xây lại hệ thống lô cốt, tường dày lên tới 60cm.

Dựa trên tài liệu về thuật phóng trong của GS Trần Đại Nghĩa, Viện đã nghiên cứu chế tạo thành công súng và đạn súng không giật SKZ60 (xuyên phá gấp 3 lần bazoca). Sản phẩm này được tổ chức sản xuất tại nhiều xưởng quân giới và trở thành trang bị của các đại đoàn chủ lực.

Những năm tiếp theo cho đến nay, Viện Vũ khí đã thành công trong nhiều mặt trận, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong công tác Công nghiệp Quốc phòng, góp phần phục cho công cuộc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên cương nước nhà.

Cận cảnh vũ khí nội địa Việt Nam hiện đại: Bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng- Ảnh 3.

Kính ngắm súng bắn tỉa

Ảnh: Võ Hiếu

Cận cảnh vũ khí nội địa Việt Nam hiện đại: Bước tiến mới của công nghiệp quốc phòng- Ảnh 4.

Các trang thiết bị, vũ khí, súng, đạn... do Viện Vũ khí nghiên cứu, chế tạo

Ảnh: Võ Hiếu

Nghị quyết số 08 (26.01.2022) của Bộ Chính trị (khóa XIII) về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo" đã nhấn mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Theo đó, nền công nghiệp quốc phòng phát triển theo hướng chủ động trong tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sửa chữa các chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật; có khả năng thích ứng và duy trì sản xuất vũ khí (ngay cả trong điều kiện đất nước có chiến tranh hoặc bị bao vây, cấm vận, phong tỏa); có năng lực và cơ cấu đồng bộ từ nghiên cứu, thiết kế, công nghệ, vật tư,... để có thể tự bảo đảm chuỗi sản xuất vũ khí từ khâu nguyên liệu cho tới tổng lắp cuối cùng. Chủ động hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm

Sản phẩm công nghiệp quốc phòng là loại hàng hóa đặc biệt, thuộc bí mật quân sự, bí mật quốc gia; việc mua bán, chuyển giao được kiểm soát chặt chẽ, giá thành đắt đỏ,… và không phải lúc nào cũng mua được. Nếu không chủ động, tự lực, tự cường, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, điều đó sẽ dẫn đến mất chủ động về mặt chiến lược trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.