Cần chi tiết hóa các loại phí để tránh thu tùy tiện

30/05/2015 06:50 GMT+7

Các loại phí, lệ phí cần được quy định chi tiết, cụ thể để tránh tình trạng vận dụng quá linh hoạt, ảnh hưởng đến người dân. Đây là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội ở phiên thảo luận tổ hôm qua (29.5) về dự án luật Phí, lệ phí.

Các loại phí, lệ phí cần được quy định chi tiết, cụ thể để tránh tình trạng vận dụng quá linh hoạt, ảnh hưởng đến người dân. Đây là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội ở phiên thảo luận tổ hôm qua (29.5) về dự án luật Phí, lệ phí.

Cần chi tiết hóa các loại phí để tránh thu tùy tiệnLề đường bị chiếm dụng khiến du khách phải đi xuống lòng đường - Ảnh: Diệp Đức Minh
“Có sự lẫn lộn giữa phí và lệ phí”
Hiện quy định vỉa hè rộng trên 3 m được phép kinh doanh nhưng không
ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, người ta đã lợi dụng cái này rất ghê. Vỉa hè biến thành nơi kinh doanh, trông giữ xe khiến người đi bộ không thể đi thẳng được mà phải đi theo kiểu luồn lách trên vỉa hè
ĐB Lê Việt Trường (An Giang)
Theo ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), phí, lệ phí đang là vấn đề phức tạp của xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Dự luật cần quy định rõ đối tượng điều chỉnh, thẩm quyền thu phí, lệ phí. Bên cạnh đó, phải làm rõ nguyên tắc cái nào là phí, cái nào là lệ phí, cái nào là xã hội hóa để tránh tình trạng nhập nhằng, lạm dụng để thu”, ĐB Nguyệt nói.
ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) băn khoăn về việc có nhiều khoản quỹ người dân phải đóng góp không nằm trong pháp lệnh Phí và lệ phí, gây bức xúc cho xã hội. “Trong dự án luật chưa đề cập đến hệ thống quỹ mà thực tế người dân phải đóng góp. Liệu sự ra đời của luật có khắc phục được vấn đề này hay không”, ĐB Bản đặt câu hỏi.
Để ngăn chặn việc các địa phương xé rào trong thu phí, không đảm bảo thống nhất, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng phải bảo đảm tính cụ thể trong dự luật. “Ví dụ như danh mục phí, lệ phí cần quy định cụ thể từ thực tiễn, từ đánh giá tác động của chính sách, tránh tình trạng phí chồng phí”, ĐB Vở nói.
Theo Trưởng ban Dân nguyện của QH Nguyễn Đức Hiền (Nghệ An), phí, lệ phí cần phải được quy định rất rõ để phân định cái gì do nhà nước thực hiện, cái gì có sự đóng góp của người dân. “Dự luật phải quy định rõ, thu phí như thế nào, quản lý ra sao, sử dụng thế nào nhằm không để thất thoát. Vẫn có sự lẫn lộn giữa phí và lệ phí”, ĐB Hiền nói. Ông cũng đặt vấn đề: người dân phải nộp phí nhưng thụ hưởng dịch vụ công của họ thì thế nào, có tương xứng hay không là vấn đề cần phải rà soát lại.
Địa phương tự đẻ ra phí
Để hạn chế tình trạng thu phí vòng vo, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị rà soát và có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Theo ĐB Khánh, với phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cần rà soát kỹ, tránh việc quy định còn mơ hồ, thực hiện còn lộn xộn, gây ách tắc giao thông. Theo ĐB Khánh, mặc dù luật Giao thông đường bộ không cho phép sử dụng lề đường, lòng đường để đỗ xe… nhưng quy định trong dự luật này vẫn có khoản thu, do vậy cần quy định chặt chẽ để tránh bị lạm dụng trong thực tế.
Trong khi đó, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng việc đưa vào dự luật phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là trái quy định của luật Giao thông đường bộ. Theo ĐB Trường, hiện có những trường hợp đặc biệt, chính quyền địa phương phải cho phép người dân tạm sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức các sự kiện đột xuất của gia đình. Tuy nhiên, không thể vì thế mà được phép thu tiền của dân. “Nếu quy định vào luật thì các ông ở phường xã sẽ chuyển biến lòng đường, vỉa hè thành nơi kinh doanh. Hiện quy định vỉa hè rộng trên 3 m được phép kinh doanh nhưng không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, người ta đã lợi dụng cái này rất ghê. Vỉa hè biến thành nơi kinh doanh, trông giữ xe khiến người đi bộ không thể đi thẳng được mà phải đi theo kiểu luồn lách trên vỉa hè. Do vậy, không nên đưa quy định này vào dự luật”, ĐB Trường nói.
Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), dự thảo chủ yếu mới xây dựng danh mục phí và lệ phí, thẩm quyền trong quản lý phí, lệ phí, các nội dung khác khá sơ sài, quy định các hành vi vi phạm pháp luật phí và lệ phí chưa đầy đủ, chưa có quy định về chế tài xử lý vi phạm.
Khẳng định phí, lệ phí là khoản thu lớn, có đóng góp cho ngân sách nhà nước nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng bày tỏ lo ngại việc một số địa phương đã tự đẻ ra phí, lệ phí ngoài pháp lệnh. ĐB Ngân đề nghị dự luật cần quy định chi tiết hơn về 51 loại phí và 39 loại lệ phí để tránh tình trạng địa phương tùy tiện thu, ảnh hưởng đến người dân.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị việc thu phí, lệ phí phải gắn với phân cấp, phân quyền, cho địa phương được đề ra một số loại phí. “Khi đặt ra mà dân phản đối thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Trái luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hủy... chứ việc cào bằng để trung ương quy định hết là không ổn”, ĐB Lịch nói.
Nên để người dân góp ý, giám sát
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), trong việc thu phí, lệ phí, ngày nay HĐND không dám tùy tiện quyết mà phải xin ý kiến người dân, chịu giám sát của MTTQ và các đoàn thể. “Có những loại phí mà HĐND sẽ phải xin ý kiến nhân dân thì tại sao không mở ra sự dân chủ cho xã hội, cho người dân được quyết những vấn đề của mình”, bà Quyết Tâm đặt vấn đề. Đồng tình quan điểm này, ĐB Võ Thị Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho rằng phí và lệ phí liên quan đến người dân, nên để người dân tham gia góp ý, giám sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.