Cần chiến lược tổng thể phòng, chống Covid-19

Thái Sơn
Thái Sơn
21/10/2021 05:50 GMT+7

Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống Covid-19, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19; không để tình trạng lúng túng, thiếu nhất quán tại các địa phương như thời gian vừa qua.

Hơn 2.000 trẻ mồ côi do Covid-19

Ủy ban Xã hội (UBXH) đánh giá dù dịch bệnh đã tạm thời được khống chế nhưng việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 đã bộc lộ nhiều hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, cần được Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo như: việc tổ chức tiêm vắc xin chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đồng đều tại các địa phương; xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh chưa triển khai kịp thời, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch

Tiêm vắc xin cho người dân tại Q.Ba Đình, Hà Nội

Đậu Tiến Đạt

Theo UBXH, một lo ngại lớn hiện nay là tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính 8 tháng năm 2021, đã có 85.508 doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh, con số này không dừng lại mà tiếp tục gia tăng trong khi DN đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm bình quân cả về vốn và số lao động đăng ký. Đã có 87,2% DN bị ảnh hưởng tiêu cực, làm cho thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp; lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỷ lệ lớn. Một lượng lớn lao động dịch chuyển từ các tỉnh, TP lớn về quê tạo nguy cơ thiếu lao động nơi đi, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Vấn đề kinh tế cũng kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội cần phải được quan tâm đúng mức. Trong đó, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế. Theo báo cáo của các địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19, riêng TP.HCM là hơn 1.500 trẻ mồ côi.

Covid-19 sáng 21.10: 873.90 ca nhiễm, 796.583 ca khỏi | Hà Nội, TP.HCM sẽ không còn chốt cửa ngõ

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế

Dù Chính phủ đã kịp thời ban hành, thực hiện nhiều chính sách, biện pháp an sinh xã hội nhưng còn gặp không ít khó khăn do người lao động đang thực hiện giãn cách xã hội nên không thể thực hiện các thủ tục để nhận hỗ trợ; nhiều địa phương không thể đáp ứng được nhu cầu kinh phí...

Liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội (QH), UBXH cho rằng Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đã khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Song tại các địa phương có nhiều lúng túng, chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của T.Ư, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng không phù hợp.

Một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ nêu trên, theo UBXH là do Chính phủ chưa ban hành được chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Chính vì thế, cơ quan này đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế; tăng cường năng lực của hệ thống y tế nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới…

Hà Nội dỡ chốt kiểm soát vào thành phố, lên kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em

Giải quyết căn cơ việc tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi

Trên cơ sở tâm tư, ý kiến của cử tri, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN đã gửi kiến nghị tới QH khóa XV, kỳ họp thứ 2. Cụ thể, cử tri kiến nghị QH, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương sớm cụ thể hóa kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 4 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT-XH. Giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vắc xin, nhất là vắc xin cho người dưới 18 tuổi; tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, đời sống của nhân dân; nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế…

Bên cạnh đó, cần kịp thời ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển KT-XH; không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm; có chính sách bảo đảm nguồn lao động cho các DN, từng bước giải quyết nhà ở xã hội cho công nhân gắn với các khu công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các DN rời khỏi thị trường; tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, bảo đảm cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển.

Tiêu Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.