Hầu hết các ý kiến tại hội thảo và triển lãm “Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại VN” do Bộ Công thương tổ chức hôm qua (12.10) đều cho rằng cần có chính sách để hỗ trợ, thiết lập mối liên kết giữa các nhà sản xuất phụ tùng và các doanh nghiệp lắp ráp ô tô thì ngành công nghiệp ô tô ở VN mới có bước tiến.
Theo ông Trương Thanh Hoài, phụ trách Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), hiện quy mô thị trường ô tô của VN thấp nhất trong 5 nước đang theo đuổi ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN. Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô của VN mới chỉ sản xuất được một số chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy…
Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe nên cần có chính sách liên kết để giúp nâng cao tỷ lệ nội địa. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng nên tập trung vào thiết lập liên kết giữa các doanh nghiệp phụ trợ và nhà lắp ráp. "Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu giảm thuế linh kiện vật tư để làm công nghiệp hỗ trợ. Để nội địa hóa, các anh cần nhập khẩu vật tư gì, đề nghị kiến nghị cụ thể", bà Hằng nhấn mạnh.
Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách dự án Vinfast, nhìn nhận VN vẫn có thể trở thành một trong những thị trường ô tô tiềm năng trong vòng 10 - 15 năm tới bởi mức GDP bình quân đầu người, tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng. "Ở VN hiện trung bình 1.000 dân mới có 23 người sở hữu ô tô so Thái Lan là 204 và mức tối thiểu tại các nước phát triển là 400", ông Huệ dẫn chứng và nói thêm: “Chúng tôi đang trong quá trình sản xuất ra dòng xe đầu tiên và hy vọng liên kết với các nhà sản xuất linh kiện của VN để bàn thảo chiến lược, có một sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế”.
tin liên quan
Vinfast lấy thiết kế bù kinh nghiệmDự án sản xuất xe thương hiệu Việt của Vingroup bất ngờ “nhờ” người Việt chọn và góp ý về mẫu sedan và SUV ưng ý nhất trong 20 mẫu thiết kế từ các studio danh tiếng trên thế giới.
Bình luận (0)