Cần chống tranh giả bằng cách nâng tầm thẩm định

22/07/2016 10:22 GMT+7

Sáng nay 22.7, gia đình nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã đến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chờ gỡ tranh mang về.

Trước đó, cả gia đình nhà sưu tập Vũ Xuân Chung cũng có mặt trong chiều 21.7 tại phòng trưng bày của triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tuy nhiên tâm thế “sợ bị thu giữ tranh” của nhà sưu tập có lẽ là quá lo xa, bởi tới 17 giờ chiều 21.7, khi Bảo tàng khóa cửa, 17 bức tranh vẫn còn trong phòng tranh chờ hướng xử lý.
Không giữ nổi tranh… vì cơ chế yếu kém?
Theo nhiều họa sĩ có uy tín, việc phát hiện tranh giả không phải lần đầu tại nước ta, tuy nhiên sự kiện xác nhận 17 bức tranh thuộc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu lần này được coi là sự cố tệ nhất, gây chấn động nhất trong đời sống mỹ thuật Việt.
Đúng như họa sĩ Phạm Huy Thông từng băn khoăn trước đó về việc cơ chế pháp luật nào ở Việt Nam có thể giúp các cơ quan chức năng (Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Sở VHTT TP.HCM…) có quyền đem tác phẩm đang gây tranh cãi của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đi thử, thậm chí cưỡng chế khi chủ sở hữu không đồng ý.
Câu hỏi mà họa sĩ Thông nêu ra: “Nếu kết quả xác định là tranh giả thì liệu nó có bị tiêu hủy như các sản phẩm hàng hóa giả khác hay không? Hoặc nếu không bị tiêu hủy thì việc xử lý tranh giả này thế nào và nhà sưu tập Vũ Xuân Chung làm cách nào để bắt đền người bán là ông chuyên gia mỹ thuật người Pháp Hubert kia?” tới nay vẫn chưa có câu trả lời.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín (nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật TP.HCM), thành viên trong hội đồng thẩm định ngày 19.7 cho rằng: “Lỗi đầu tiên xảy ra chuyện tranh giả chính là do cơ chế kém về tổ chức. Những người quản lý lại không hiểu sâu xa về chuyên môn nên mới để xảy ra tình trạng này và lúng túng trong cách xử lý”.
Trong khi đó họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân lại mạnh mẽ cho rằng, khi phát hiện ra tranh giả thì cứ giao hết cho công an xử lý với tội danh làm hàng giả, và cứ áp dụng luật như xử lý hàng hóa giả. “Mọi việc đã quá rõ ràng. Bảo tàng bị lừa. Họ đã lợi dụng danh nghĩa của Bảo tàng để đưa tranh giả vào triển lãm. Cứ xử lý hàng giả như tiền giả chẳng hạn, sử dụng để thu lời bất chính”, họa sĩ Nguyễn Quân khẳng định.
Cần thẩm định tranh thật khoa học
Theo các nhà chuyên môn, việc cần kíp là phải xây dựng ngay một đội ngũ thẩm định tranh có chuyên môn cao bằng phương pháp khoa học. Đây được coi như một bộ lọc, một rào cản hạn chế tranh giả ngang nhiên hoành hành ở thị trường nội địa lẫn tuồn đi nước ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thẩm định độ thật - giả của tranh không thể chỉ căn cứ vào con mắt chủ quan và cảm tính của các thành viên trong Hội đồng thẩm định, còn cần thiết sử dụng các phương pháp khoa học như các nước vẫn thường làm.
Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu khoa học về lý thuyết hạt nhân tại Viện Vật lý và Nghiên cứu hóa học (RIKEN), đang sinh sống tại Nhật Bản chia sẻ: “Nếu dùng phương pháp khối phổ gia tốc (AMS) để xác định hàm lượng carbon-14 thì không phải mang cả bức tranh đi thử mà chỉ cần cắt một mẩu canvas độ 1 cm2 ở phần thừa ra trên cạnh strainer và gửi cái mẩu đó đi thử là được. Phương pháp AMS xét nghiệm được các mẫu có kích thước và khối lượng rất nhỏ với độ chính xác cao và chỉ cần thời gian ngắn (vài tiếng) nhưng chỉ thực hiện được ở viện nghiên cứu hiện đại tại các nước phát triển, và giá thành cao (trên 500 - 1.000 USD cho 1 - 5 mẫu thử). Việt Nam hiện nay chỉ dùng được phương pháp xác định hàm lượng carbon bằng detector nhấp nháy lỏng (liquid scintillator detector, LSD). Phương pháp này tuy dễ làm và giá thành rẻ, nhưng cần lượng mẫu carbon lớn hơn (~ 5 - 10 g). Vì thế toàn bộ bức tranh sẽ phải được hóa lỏng thì mới đủ để phân tích, tức bức tranh sẽ bị tiêu hủy. Cho nên không thể áp dụng phương pháp detector nhấp nháy lỏng vào việc phân định tuổi tranh trong trường hợp này được".
Nhà điêu khắc Phan Gia Hương (Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng việc xây dựng đội ngũ thẩm định tranh cùng các quy chế chặt chẽ trong việc xử lý tranh giả sẽ góp phần củng cố ngay một hành lang pháp lý để bảo vệ cho mỹ thuật Việt cùng các họa sĩ Việt.
“Có vài cách để tránh tranh giả. Một là giấy chứng nhận tác phẩm có chữ ký của tác giả. Hai là có những ký hiệu bí mật trên từng bức tranh mà nếu người chép không xem tranh thật không thể chép được. Ba là cách thức làm nền hoặc phác hình của họa sĩ khi dùng thường sử dụng các kỹ thuật riêng biệt, mà chỉ khi người ta nghiên cứu khoa học mới thống kê được”, họa sĩ Bùi Thanh Tâm cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.