Cần có biện pháp bảo vệ người dân

04/08/2011 00:14 GMT+7

Nhiều bạn đọc, nhất là người dân TP.HCM sau khi đọc bài viết Cây gãy đổ, dân tự lo! đăng trên Thanh Niên ngày 2.8 đã bày tỏ bức xúc, băn khoăn.

Tôi thấy lo lắng

Trước nay, chuyện cây đổ đè xe, gây chết người trên địa bàn TP.HCM không phải là hiếm. Chỉ trong trận mưa gió ngày 30.7 đã có hàng loạt cổ thụ gãy đổ, như vậy liệu với các cơn gió giật và mạnh hơn trong mùa bão lũ sắp tới thì sao? Sẽ còn bao nhiêu cây ngã đổ? Cây đổ rất nguy hiểm, người ở trong nhà có khi cũng bị đè chứ đừng nói gì ở ngoài đường. Các đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm trong việc này, rà soát và kiểm tra cây xanh để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc. Ngô Ngọc Tuyền (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM)

Tăng cường đầu tư

Nên đầu tư kỹ thuật hiện đại để biết cổ thụ, đại thụ có bị mục thân, thối rễ hay không mà có phương hướng xử lý, tránh chuyện gãy đổ trong mùa mưa. Tưởng tượng cảnh cổ thụ ngã mà tôi thấy thật kinh khủng. Hiện nay, có một số người do cây chắn trước mặt tiền nhà mình nên họ lén lút tìm cách hại cây như đổ hóa chất hay xén rễ để cây chết dần. Nếu không có các thiết bị kỹ thuật hiện đại để xác định thì làm sao biết được, đến một ngày nào đó cây ấy ngã nhào ra đường thì tai họa sẽ khủng khiếp đến nhường nào. Trang Nhung (nhungtrancuchi@yahoo.com)

Mong sớm xem xét

Theo như lời ông Trần Thiện Hà - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cây xanh TP.HCM, thì dù là đơn vị chuyên môn nhưng công ty này chỉ có quyền thừa hành các quyết định của Sở Giao thông vận tải (GTVT), không có quyền tự quyết những vấn đế thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Nếu Sở GTVT rót kinh phí ít, thì công ty cây xanh phải làm ít. Ví dụ, chăm sóc 1 cây xanh tiêu tốn hết 1 triệu đồng/năm, nhưng Sở GTVT rót kinh phí chỉ có 500 ngàn đồng/năm/cây thì công ty chỉ chăm sóc trong khoảng 500 ngàn đồng/cây, nếu vậy làm sao bảo đảm được chất lượng của cây? Và như thế thì việc cây xanh bị gãy đổ cũng là chuyện khó tránh khỏi. Rất mong UBND TP.HCM sớm xem xét lại việc này. (canthanh76@gmail.com)

Cần chấn chỉnh

Cây xanh ngã đổ trong mưa bão đúng là tai nạn bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu cây gãy đè chết người, gây hư hại tài sản của dân mà lỗi do công tác chăm sóc, bảo vệ cây thì sao? Chắc chắn trong trường hợp dù cây có bị thối rễ, mục thân dẫn đến gãy ngã trong mưa bão thì các cơ quan chức năng cũng vịn vào lý do mưa bão làm cây ngã, chẳng ai nhận trách nhiệm về mình. Điều này cần phải chấn chỉnh, cần quy trách nhiệm rõ ràng. Trần Minh (Đại học Luật TP.HCM)

Thanh Đông
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.