Cần cơ chế đặc thù để Đồng bằng sông Cửu Long không thành 'vựa hộ nghèo'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/11/2021 21:00 GMT+7

Đại biểu Cà Mau Nguyễn Quốc Hận đề nghị có cơ chế đặc thù để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long , tránh để vùng "vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản" lãnh thêm sứ mệnh "vựa hộ nghèo" của cả nước.

Không để trở thành vựa hộ nghèo của cả nước

Thảo luận về kinh tế, xã hội tại Quốc hội, chiều 9.11, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đề xuất cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận

gia hân

Theo đại biểu Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước. Thời gian qua khu vực này hoàn thành, thậm chí là hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, hàng năm đóng góp gần 40% GDP toàn ngành nông nghiệp. Thương hiệu lúa, trái cây, tôm, cua đã được khẳng định và trụ vững trên trường quốc tế.

Với lợi thế, thế mạnh như vậy nhưng mỗi ngày khu vực này càng tụt hậu xa so với các khu vực khác, trở thành vùng trũng ở một số lĩnh vực.

"Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì một thời gian không xa Đồng bằng sông Cửu Long còn có thể có thêm một sứ mệnh nữa đó là vựa hộ nghèo của cả nước", ông Hận nói.

Theo ông Hận, qua thời gian dịch bệnh cũng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, có thể thấy rằng những lúc khó khăn thì nông nghiệp luôn là giá đỡ của nền kinh tế. Trong xu thế dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nhanh chóng thì việc đầu tư cho ngành nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực làm giá đỡ cho nền kinh tế là một sự đầu tư khôn ngoan và đúng đắn.

Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù cho phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long với các cơ chế về liên kết vùng về tích tụ đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế về tài chính, ngân sách vay vốn ưu đãi; cơ chế đầu tư cảng biển, điện gió, điện sóng, điện năng lượng để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản cả nuôi trồng và chế biến.

Cơ chế xin - cho vẫn "ngang nhiên tồn tại"

Dành thời gian của bài phát biểu cho vấn đề phân cấp, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng đây là vấn đề muôn thuở, với chủ trương đã bàn rất nhiều và thống nhất là phân cấp mạnh cho địa phương trong khuôn khổ pháp luật để tăng tính chủ động, sáng tạo cho nơi sát dân, sát thực tiễn; hạn chế thấp nhất cơ chế xin - cho; góp phần chặt đứt nguồn gốc của quan liêu, tham nhũng, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, cục bộ.

Tuy nhiên, thời gian qua mặc dù cố gắng là vậy nhưng trong nhiều chính sách của chúng ta, dù nó không có tên, có mặt nhưng cơ chế xin - cho này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Đại biểu Hận dẫn chứng, ở lĩnh vực đất đai, mặc dù quy hoạch đất đai được chính quyền địa phương lập theo quy trình được chấp thuận của bộ, ngành chức năng liên quan, được Chính phủ phê duyệt, nhưng trong một số trường hợp khi chuyển mục đích sử dụng đất, mặc dù phù hợp với quy hoạch được duyệt nhưng cấp tỉnh vẫn phải thông qua Hội đồng nhân dân, sau đó trình bộ, ngành và bộ, ngành làm tham mưu cho Chính phủ và khi Chính phủ đồng ý thì mới được chuyển mục đích.

Quy trình này mất rất nhiều thời gian và cấp tỉnh cũng rất khó khăn trong thuyết phục các bộ, ngành có liên quan.

“Đây có phải là cơ chế xin cho, tại sao chúng ta không mạnh dạn giao cho địa phương thực hiện trong khuôn khổ quy hoạch được duyệt?”, đại biểu Hận nêu.

Tương tự, ông Hận dẫn chứng, luật Giao thông đường bộ thì giao cho UBND tỉnh lập phương án phát triển mạng lưới đường bộ, căn cứ vào mạng lưới đường bộ và quy hoạch vùng được Bộ GT-VT phê duyệt, nhưng khi muốn đấu nối đường nhánh ra quốc lộ thì phải xin phép đến Bộ GT-VT.

Ở lĩnh vực tài chính, ngân sách, một số chính sách thuế như thuế bảo vệ môi trường, theo Thông tư số 61 của Bộ Tài chính thì tỷ lệ điều tiết năm 2022 được phân chia theo tỷ lệ là 37,2% khoản thu là khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương. 62,8% số thu được điều tiết 100% về T.Ư.

"Theo tôi, với tỷ lệ phân chia này chỉ hợp lý với các tỉnh tự cân đối được thu chi ngân sách. Đối với các tỉnh còn nhận trợ cấp từ ngân sách T.Ư, tại sao không phân bổ 100% khoản thu từ nguồn này vào ngân sách địa phương, mà phải điều tiết về T.Ư, sau đó phân bổ lại?”, ông Hận nêu vấn đề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.