Cần cơ chế để cử tri giám sát hoạt động ĐBQH

28/03/2011 23:48 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII hôm qua, đều gặp nhau ở kiến nghị phải khắc phục tình trạng bị động trong làm luật, tăng cường hậu giám sát và đặc biệt là cần có cơ chế để giám sát (GS) hoạt động ĐBQH.

 

ĐB Nguyễn Đình Xuân: "Ai bấm nút đồng ý, ai không đồng ý, cử tri cần được biết để giám sát" - ảnh: Ngọc Thắng

Phải “đeo bám” kiến nghị hậu giám sát

Nếu QH khóa XIII này tăng nhiều chuyên trách, 100 ủy viên chuyên trách nhưng với bộ máy giúp việc hiện nay thì cũng giống như tăng bác sĩ mà cũng không có y tá, không có hộ lý, không có điều dưỡng thì bác sĩ không làm gì được.

ĐB Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH

Với tư cách “người trong cuộc”, từng tham gia một số đoàn GS, ĐB Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) nhận xét: các chuyến đi GS “vẫn còn rất hành chính ở việc tới đó là nghe đơn vị báo cáo và mỗi thành viên trong đoàn GS được nhận báo cáo. Tuy nhiên để kiểm định lại thực tiễn đó như thế nào thì chúng ta chưa đi sâu”. Bà ví dụ: Kiến nghị của cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường tại nhà máy, xí nghiệp nào đó, khi GS, lẽ ra phải có bộ phận chuyên môn cùng đi để kiểm định.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) tuy đánh giá nhiệm kỳ qua, công tác GS của QH được đẩy mạnh và ngày càng có hiệu quả, nhưng cho rằng, quỹ thời gian dành cho hoạt động GS chuyên đề còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu báo cáo, “đặc biệt là việc thực hiện các kiến nghị, kết luận đề xuất sau GS chưa được các cơ quan chịu sự GS quan tâm thực hiện triệt để. Do thiếu cơ chế, chế tài để việc thực hiện các kiến nghị đó được đảm bảo”.

Chia sẻ ý kiến này, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bình Thuận) nhận xét thêm: “Còn nhiều vấn đề kiến nghị sau GS chúng tôi không nắm được là các cơ quan có trách nhiệm đã giải quyết các kiến nghị đề xuất đó đến đâu”, trong khi, cả nhiệm kỳ, QH đã tiến hành tới 7 cuộc GS chuyên đề, Ủy ban TVQH tiến hành 9 cuộc GS chuyên đề, rồi trên 100 cuộc khảo sát, GS của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của QH...

Công khai việc “bấm nút” của đại biểu

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nhận xét, qua theo dõi diễn biến trên nghị trường cho thấy những ĐB tích cực phát biểu và phát biểu thẳng thắn tự tin có chất lượng được cử tri ghi nhận thường là những đại biểu có bản lĩnh trí tuệ, ĐBQH chuyên trách, ĐB tái cử, ĐB không hoạt động trong bộ máy hành pháp. Vì vậy, “ngoài việc đề cao chất lượng ĐB, cần có cơ chế để cử tri GS hoạt động của ĐBQH”, ông Cuông đề nghị.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cũng đề nghị phải tăng cường hơn sự gắn bó của QH và cử tri, ví dụ như khi QH biểu quyết về nội dung nào đó, vấn đề trọng đại nào đó, cần công khai ý kiến biểu quyết của từng ĐB. “Ai bấm nút đồng ý, ai không đồng ý, cử tri cần được biết để giám sát”, ĐB Xuân nhấn mạnh.

Chia sẻ kiến nghị này, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị cần phải “công khai hóa và minh bạch hóa quyết định của mỗi ĐBQH thông qua việc bấm nút”. Ông Quốc nói: “Mặc dù chúng tôi đã nhận được trả lời của VPQH giải thích rằng hiện nay theo tập quán quốc tế mỗi nước khác nhau, có những nước công khai, có những nước không công khai, nhưng tại sao chúng ta không lựa chọn sự công khai, minh bạch để năng lực GS của QH, của nhân dân có thể trực tiếp hơn. Điều đó làm cho mỗi ĐBQH phải ý thức được về trách nhiệm của mình trước nhân dân một cách minh bạch”.

Cử tri giới thiệu lãnh đạo Đảng, Nhà nước ứng cử ĐBQH

Tối 28.3, Ủy ban MTTQ P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. 100% số cử tri có mặt đã nhất trí giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng ứng cử ĐBQH khóa XIII.

Cùng ngày, Ủy ban MTTQ P.Quán Thánh, Q.Ba Đình, TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với ba Ủy viên Bộ Chính trị là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Bí thư T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh. 100% số cử tri có mặt đã nhất trí giới thiệu ba ông ứng cử ĐBQH khóa XIII.

TTXVN

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.