Cần cơ chế để phát triển miền Trung

20/08/2014 07:06 GMT+7

Hàng loạt giải pháp, kiến nghị được UBND các tỉnh, thành miền Trung nêu ra tại diễn đàn kinh tế miền Trung “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới”.

Cần cơ chế để phát triển miền Trung
Bốc xếp container tại Cảng Đà Nẵng - Ảnh: H.T

Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương, Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TP.Đà Nẵng, với mong muốn cần sớm ban hành một cơ chế “đặc biệt” để miền Trung phát triển ngang tầm với hai đầu đất nước.

Giải bài toán liên kết

Hạn chế lớn nhất của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung (gồm: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) là thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm. Bởi, tỉnh, thành nào cũng có tiềm năng, lợi thế gần như ngang nhau: có sân bay, cảng biển, tiềm năng du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển… PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: “Những thế mạnh này vẫn là “tự nhiên, vốn có” của miền Trung. Nhưng suốt cả một thời kỳ lịch sử hằng năm, miền Trung vẫn nghèo, vẫn không thể giàu với những tiềm năng to lớn đó”. Nhìn nhận thực tế về chủ trương liên kết vùng miền Trung là nhu cầu tự nhiên và cần thiết của các địa phương trong vùng nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực của mỗi địa phương, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ rõ: “Chúng ta đã hình thành Ban điều phối vùng, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhưng thực tế kết quả mang lại chưa cao”. Vì vậy, theo ông Lê Phước Thanh, trong thời gian tới cần thực hiện liên kết vùng trong các lĩnh vực chủ yếu như: sử dụng hạ tầng chung vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; liên kết vùng trong phát triển các sản phẩm du lịch, khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế tại miền Trung; liên kết vùng trong việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư dựa trên lợi thế so sánh của từng địa phương và liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... 

Miền Trung cần gì?

PGS.TS Trần Đình Thiên nói thẳng miền Trung cần thể chế để phát triển. “Cho đến nay, dù 9 tỉnh, thành duyên hải miền Trung đã ‘tự nguyện liên kết” với nhau, đã làm được khá nhiều việc theo hướng tạo sức mạnh chung để phát triển, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế. Song, cũng như cả nước, miền Trung vẫn chưa có thể chế chính thức, chính danh nhà nước để tổ chức, điều hành quá trình liên kết phát triển vùng một cách hiệu quả”. Còn ông Lê Phước Thanh nhìn nhận “cơ chế liên kết vùng do Ban điều phối là lãnh đạo các địa phương trong vùng làm thành viên sẽ không phát huy hiệu quả mà cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương. Cơ quan điều phối phải thực sự có quyền và có thể tham gia đề xuất với Trung ương những chủ trương chung liên quan đến phát triển toàn vùng”. TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng kiến nghị Trung ương cần xem Vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển của nước ta.

Theo GS.TSKH Võ Đại Lược, Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, giải pháp phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có thể có nhiều, song vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào. Ở đây cần có quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thiếu yếu tố này, khó có thể thành công. Yếu tố quyết định cho sự bứt phá của miền Trung là những thể chế có tính đột phá, cho phép sử dụng được những tiềm năng này. Không có những thể chế có tính đột phá đó, tiềm năng to lớn của miền Trung sẽ tiếp tục ngủ yên nhiều năm nữa. GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết chủ trương và chính sách phát triển Vùng duyên hải miền Trung của Đảng và Nhà nước đã được triển khai tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, theo GS.TS Vương Đình Huệ, quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.