Giữ lời thề thiêng liêng trước Đảng:

Cần cơ chế đủ mạnh để cán bộ tự soi, tự sửa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/10/2023 06:00 GMT+7

Để cán bộ, đảng viên có thể tự soi, tự sửa, đủ "đề kháng" trước những cám dỗ, theo nhiều chuyên gia, vẫn cần một "cơ chế hỗ trợ" đủ mạnh.

Để nhân dân tham gia giám sát

TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan T.Ư, cho rằng cần có một cơ chế đủ mạnh để đánh giá, sàng lọc cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cấp ủy các cấp.

Cần cơ chế đủ mạnh để cán bộ tự soi, tự sửa - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực triển khai kế hoạch kiểm tra tại Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

TTXVN

Theo ông Phúc, thời gian qua, có rất nhiều cơ quan tham gia trong việc thẩm định, đánh giá cán bộ, nhất là quy hoạch nhân sự cấp ủy các cấp, song vẫn để lọt những cán bộ thoái hóa, biến chất, đã có sai phạm từ trước đó. Thậm chí, ngay cả khối tài sản kếch xù của họ cũng bị giấu giếm dù Đảng có quy định chặt chẽ về việc kê khai.

"Tôi đề nghị Bộ Chính trị sắp tới đây nếu ban hành chỉ thị về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng thì phải có chế tài thật nghiêm trong việc đánh giá, thẩm định cán bộ trong quy hoạch và cán bộ giới thiệu đại hội để bầu vào cấp ủy, nhất là Ban Chấp hành T.Ư. Nếu để lọt một cán bộ nào đó mà không đủ phẩm chất, không đủ năng lực, không đủ điều kiện thì phải xử lý người đứng đầu của các cơ quan thẩm định, đánh giá phải chịu trách nhiệm", ông Phúc đề nghị.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cũng nhìn nhận, công tác cán bộ cần đổi mới khi cơ chế thị trường đang "tạo ra" đủ mọi thứ "chạy": chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội.

"Thời xưa vào Đảng không phải để làm quan, không coi lợi ích vật chất là mục tiêu. Bây giờ, coi lợi ích vật chất là mục tiêu. Bây giờ, người ta coi một cái chức là mua đi bán lại. Muốn mua được cái chức đó thì phải chạy mà có chức rồi thì mình phải thu hồi", ông Túc nói.

Nhưng để đổi mới công tác cán bộ, lựa chọn những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh không thể chỉ dựa vào sự giám sát của Đảng, của Nhà nước mà quan trọng nhất là sự giám sát của nhân dân.

Ông Nguyễn Túc nói: vào thời của ông, đấu tranh kiểm điểm tự phê bình và phê bình được thực hiện rất nghiêm túc, có khi "quần nhau" đến mấy ngày mấy đêm. "Thấy đồng chí mình có biểu hiện khác thường thì họp chi bộ kiểm điểm tìm ra nguyên nhân có khi đến ba bốn đêm trời. Kiểm điểm để tiến lên. Nhưng bây giờ đấu tranh tự phê bình và phê bình ở cơ sở, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước không còn mang tính chất là để giúp nhau sửa chữa sai lầm, khuyết điểm nữa. Đáng lo ở chỗ ấy!", ông Túc nêu.

Cần cơ chế đủ mạnh để cán bộ tự soi, tự sửa - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, bị kỷ luật, sau đó bị khởi tố do có nhiều sai phạm từ các nhiệm kỳ trước

TRẦN CƯỜNG

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Túc cho rằng phát huy sự giám sát của nhân dân là hết sức quan trọng. "Đảng có ít (cơ quan giám sát) nhưng dân chỗ nào cũng có tai, có mắt. Và hai nữa, dân họ không ngại gì. Các đồng chí đảng viên thì sợ đồng chí là bí thư, đấu tranh thì tránh đâu nên dĩ hòa vi quý chứ người dân thì không. Vấn đề là khơi dậy được sức mạnh của nhân dân để người ta dám nói, dám tố. Chuyện ấy cũng không phải đơn giản", ông Túc lưu ý.

Cùng quan điểm, TS Vũ Văn Phúc đề xuất cần phải thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng là xin ý kiến nhân dân, để nhân dân tham gia xây dựng công tác cán bộ. Theo ông Phúc, chẳng hạn như danh sách nhân sự quy hoạch T.Ư sau khi đã thẩm định, trước khi trình ra T.Ư thì công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát, phát hiện.

"Nếu nhân dân phát hiện người này, người kia là có vấn đề thì phải thẩm định, xác minh, điều tra cụ thể. Đây chính là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Còn nếu cứ nói là nhân dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ nhưng không có cơ chế cụ thể thì nhân dân tham gia làm sao?", ông Phúc nêu.

Để cán bộ dốc toàn lực cho công việc

Nhưng để cán bộ tự ý thức trách nhiệm, tự soi, tự sửa, đứng vững trước những cám dỗ lợi ích trong điều kiện đã có nhiều thay đổi như hiện nay, ông Nguyễn Túc cho rằng không thể chỉ dựa vào những "cây gậy" giám sát và trừng phạt.

Cần cơ chế đủ mạnh để cán bộ tự soi, tự sửa - Ảnh 3.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị T.Ư Đảng kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực

T.L

Ông Túc nói lương Ủy viên T.Ư Đảng, bộ trưởng hiện chỉ 15 triệu đồng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chỉ ở mức 18 triệu đồng, trong khi lương của giám đốc một công ty tư nhân "vừa vừa" cũng vài trăm triệu đồng. Sự thay đổi, chênh lệch về mức sống, thu nhập và suy nghĩ tác động rất lớn không chỉ tới cán bộ mà cả những người thân trong gia đình. Rất nhiều cán bộ lãnh đạo thời gian qua hỏng cả sự nghiệp cũng là vì vợ, con.

"Thành ra phải cải cách tiền lương để làm sao cán bộ, công chức làm trong cơ quan nhà nước có một đồng lương đủ sống, đủ để nuôi vợ, nuôi con. Có như thế người ta mới yên tâm, dốc toàn lực cho công việc. Chứ bây giờ cứ trả cho người ta mức lương quá thấp làm sao người ta yên tâm cống hiến, làm sao người ta không bị cám dỗ trước những lợi ích vật chất đem đến một cách quá dễ dàng…", ông Túc nói và cho biết câu chuyện này đã được nói rất nhiều nhưng tới nay vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Khi bàn về câu chuyện này, ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cũng cho rằng bên cạnh việc chọn đúng cán bộ thì cần phải từng bước cải thiện đời sống, thu nhập cho cán bộ để cán bộ không cần tham nhũng. Đây cũng là một nguyên tắc, mục tiêu của công tác phòng ngừa tham nhũng hiện nay. "Chứ bây giờ ăn còn không đủ, một mình còn lo không đủ, lại còn lo cả gia đình nữa rồi thì làm sao mà cống hiến", ông Hạ nêu.

TS Vũ Văn Phúc thì đề nghị phải mở ra một con đường thứ hai cho thanh niên hiện nay bên cạnh con đường "vào Đảng, làm quan". "Làm sao cho thanh niên hiện nay không phải nhăm nhăm vào một con đường là làm quan mà có thể trở thành những công nhân lành nghề, những nhà khoa học, chuyên gia thực tài trong từng lĩnh vực. Muốn vậy phải có chế độ đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng với đội ngũ nhà khoa học, trí thức để người ta thấy không cần phải đi theo con đường quan chức, thành ông nọ, bà kia mới là đích đến duy nhất", ông Phúc nói và cho biết tại Hội nghị T.Ư 8 lần này cũng sẽ bàn tới vấn đề đội ngũ trí thức trong tình hình mới, đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.