Việc cơ quan chức năng phát hiện và dư luận phản ánh về hàng loạt trường hợp quan chức ở Yên Bái, Đồng Nai... kê khai tài sản không trung thực đã một lần nữa cho thấy cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có rất nhiều vấn đề, dù đây được xác định là một biện pháp ngăn chặn cũng như một kênh để phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
tin liên quan
Cảnh cáo Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ ThanhThứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa sai phạm đến mức phải kỷ luật
|
Theo ông, nguyên nhân chính nào khiến việc kiểm soát tài sản thu nhập của chúng ta không đạt mục tiêu?
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc kê khai tài sản, thu nhập phụ thuộc vào tính tự giác của người kê khai, còn người ta kê khai như thế nào, đúng hay không thì mình không kiểm soát được. Chỉ khi nào xảy ra việc hoặc công luận phản ánh quan chức tỉnh này, tỉnh khác có khối tài sản lớn, thì lúc đó cơ quan chức năng mới vào cuộc. Thường thì lúc đó, chúng ta nhận được những lời giải thích không mấy thỏa đáng. Có những việc cơ quan chức năng đã kết luận, có việc chưa nhưng công luận đã chỉ rõ những điều khó chấp nhận về nguồn gốc số tài sản kếch xù của một số quan chức.
Trong số cả triệu bản kê khai tài sản hằng năm, số lượng không trung thực chắc chắn nhiều hơn con số đã phát hiện, nhưng rõ ràng mình không có cơ chế, không đủ nhân lực để đảm bảo việc kê khai đó là trung thực. Hiện nay, các bản kê khai tài sản chủ yếu là do các đơn vị về tổ chức cán bộ phụ trách và cũng chỉ kẹp vào hồ sơ là chính, chứ họ không đủ chuyên môn để đọc, phát hiện có sự không bình thường trong việc kê khai tài sản, thu nhập, cũng như những giải trình khi khối tài sản đó tăng thêm.
Như vậy, có thể nói rằng, việc kê khai hiện nay cứ khai là khai thôi, còn có bảo đảm trung thực hay không, chỉ người kê khai tự chịu trách nhiệm, các cơ quan tiếp nhận, quản lý hầu như không có trách nhiệm và khả năng gì để đánh giá việc kê khai đó có trung thực hay không.
Như vậy, có thể đánh giá là quy định hiện hành về kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ của chúng ta là quá yếu?
Không hẳn là yếu mà tôi cho rằng nó không chặt chẽ và thiếu tính chuyên nghiệp. Ở nhiều nước trên thế giới, họ thực hiện theo nguyên tắc đã kê khai thì nhà nước phải có khả năng đánh giá kiểm soát được việc kê khai đó trung thực hay không trung thực. Còn chúng ta có số lượng cả triệu người như thế thì việc kiểm soát là bất khả thi. Mặt khác, họ có những tổ chức chuyên trách, sau khi nhận được các bản kê khai thì họ đọc và phát hiện điểm nào bất hợp lý lập tức có thể dễ dàng liên hệ với cơ quan quản lý khác như ngân hàng, cơ quan quản lý nhà đất, cơ quan thuế… để xác minh về tài sản. Còn chúng ta giao cho các đơn vị tổ chức cán bộ thì làm sao họ có đủ thời gian để làm.
tin liên quan
Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái: 'Tôi vay ngân hàng 20 tỉ để mua đất''Để mua được khu đất tôi phải vay ngân hàng gần 20 tỉ đồng và vay mượn tiền của anh em bạn bè. Đó còn là kết quả của cả một quá trình tôi lam lũ làm đủ thứ từ thời trẻ', ông Phạm Sỹ Quý nói.
Sẽ có cơ quan chuyên trách về kiểm soát thu nhập
Vừa rồi tại một số bộ ngành, địa phương đã phát hiện nhiều cán bộ sở hữu khối tài sản rất lớn và giải thích tài sản có nguồn gốc từ bán chổi đót hay nuôi lợn. Với quy định pháp luật như hiện nay, liệu có cách nào xác minh?
Thực ra, nếu muốn thì không có gì là khó cả, bởi việc xác minh cũng giống như các cơ quan điều tra. Nếu anh nói tài sản đó là do kinh doanh thì có nộp thuế không, hoặc anh nói sản xuất thì phải có bạn hàng, người bán người mua, lời lãi một vài chục triệu đồng thì dễ nhưng đến tiền tỉ thì không thể nói như thể trên trời rơi xuống. Hoặc anh nói vay chỗ này chỗ kia thì phải có chứng từ của ngân hàng, phải có tài sản thế chấp, phải chứng minh thu nhập hằng tháng là bao nhiêu thì mới được vay hàng tỉ bạc như thế.
Để xác minh những việc này, tôi cho rằng có 2 yếu tố quan trọng là hợp lý và hợp tình, tức là có cái thì anh có thể chứng minh bằng các tài liệu, thông tin, sổ sách; có những cái không có bằng chứng cụ thể nhưng sự giải thích là hợp lý, nói để làm sao người ta còn nghe được. Không ai cấm cán bộ công chức làm thêm cả, do đồng lương chưa bảo đảm thì họ lao động sản xuất, thậm chí họ có thể mua bán cổ phiếu cổ phần hay mua nhà xong bán lại để kiếm lời, miễn là những công việc này không ảnh hưởng đến tính khách quan trong việc thực thi công vụ. Nhưng những lợi ích đó ở mức độ nào còn chấp nhận được, còn nói tài sản hàng chục tỉ khủng khiếp như thế từ việc tham gia các hoạt động sản xuất nhỏ lẻ thì về mặt logic của cuộc sống, đã khiến người ta không thể nghe được. Sự đánh giá của người dân và xã hội bao giờ cũng có tính hợp lý của nó, cái đó thì ai cũng có thể luận được.
Luật không quy định anh kê khai tài sản nói rõ nguồn gốc ở đâu nhưng khi tài sản của anh đã bị phản ánh có sự không bình thường và cơ quan chức năng vào cuộc thì anh phải có trách nhiệm giải trình, còn lại cơ quan chức năng sẽ có biện pháp để người ta xem có hợp lý hay không.
Theo ông, để kiểm soát hiệu quả tài sản thu nhập của cán bộ, việc sửa đổi quy định pháp luật tới đây như thế nào?
Việc kê khai tài sản cán bộ đã được chúng ta đặt ra từ năm 1998, đến năm 2005 đã đưa vào luật Phòng chống tham nhũng và tới đây sẽ tiếp tục sửa đổi, không chỉ trong luật này mà còn thể hiện ở nhiều chế tài khác. Nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy rất rõ cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra rất quyết liệt với quyết tâm lớn của Đảng, Chính phủ. Trước đây, các quy định pháp luật thiên về phòng ngừa, nhưng gần đây chúng ta đã quan tâm nhiều đến việc xử lý, khi có tới 5 - 6 ủy viên T.Ư bị xử lý kỷ luật, hàng loạt quan chức ở bộ, ngành, địa phương, thậm chí cả Ủy viên Bộ Chính trị, cũng bị xử lý.
Riêng về kiểm soát tài sản càng rõ hơn khi T.Ư ban hành quy định 85-QĐ/2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ cấp cao, theo như thông tin của những cán bộ có trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra T.Ư là khoảng 1.000 người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây được coi là một quyết tâm lớn của Đảng và cũng thể hiện bước tiếp theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 3 là chống tham nhũng phải trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau.
Thứ nữa trong Quy định 85 cũng đã mở ra rất nhiều căn cứ mạnh để kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ. Nếu như quy định trong luật Phòng chống tham nhũng hiện hành muốn thẩm tra xác minh tài sản thì phải căn cứ vào những yêu cầu khá chặt chẽ, thì trong Quy định 85, có thể giám sát, kiểm tra tài sản khi có kế hoạch, yêu cầu từ cơ quan cấp trên, hay khi có tố cáo, thậm chí là thông tin, phản ánh có căn cứ từ báo chí, hoặc người dân.
Cùng với đó, việc sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng cũng tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để việc kiểm soát tài sản cán bộ đi vào chuyên môn hóa, trong đó có sự phân định rõ ràng, cái gì cơ quan thanh tra làm, cái gì cơ quan Đảng làm. Về quyền hạn thì phụ thuộc vào tính chất của mỗi cơ quan, nhưng sẽ có sự chuyên môn hóa nhất định, trong đó định hướng sẽ có các cơ quan hay đơn vị chuyên trách để kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ. Thay vì các bản kê khai tài sản đút vào ngăn kéo của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, sẽ có một cơ quan quản lý có tính chất tập trung vào đó, có trách nhiệm tiếp nhận, phân tích, theo dõi sự biến động, thậm chí là chủ động trong việc tiến hành xác minh.
Các cơ quan chức năng sẽ đánh giá kiểm tra khi có biến động bất thường, thậm chí còn tính đến phương án xác minh theo xác suất. Ví dụ, năm nay sẽ xác minh khoảng 10 - 20% bản kê khai theo lựa chọn ngẫu nhiên. Từ đó, người kê khai tài sản nào cũng luôn sẵn sàng đối diện với việc có thể là đối tượng của sự thẩm tra xác minh bất kỳ lúc nào, nên phải nâng cao ý thức tự giác, tính trung thực mỗi khi thực hiện việc kê khai.
tin liên quan
Xem xét kỷ luật Thứ trưởng Hồ Thị Kim ThoaKết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa công bố chiều nay chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm và đề nghị kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa do có những dấu hiệu vi phạm liên quan đến Công ty Bóng đèn Điện quang.
Trong việc kiểm soát tài sản cán bộ, một vấn đề lớn gây tranh cãi nhiều năm nay là công khai tài sản cán bộ sẽ được thể hiện theo hướng nào, thưa ông?
Theo quy định hiện hành, bản kê khai tài sản của cán bộ chỉ công khai tại cơ quan, tổ chức dưới hình thức niêm yết hay công bố trong cuộc họp có tính chất nội bộ, thì rõ là đã hạn chế sự tiếp cận của người dân để có thể thực hiện quyền giám sát của mình. Đã đến lúc chúng ta cần tính cả đến những phương án công khai ở diện rộng hơn, nhưng đây là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi việc công khai tài sản sẽ liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp khác như an ninh, an toàn cho cán bộ, nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, phản ánh một chiều, làm méo mó thông tin, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân…
Tuy nhiên, tôi cho rằng, khi thực hiện việc kiểm soát tài sản theo hướng đề cập ở trên là có một cơ quan chuyên môn kiểm soát thì sẽ mở ra cơ hội tiếp cận cho nhiều người, người dân cũng dễ dàng khi biết cán bộ ở cấp nào không trung thực thì tới đó để phản ánh, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin để thực hiện quyền giám sát.
Nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản có từ nuôi lợn
Tại Hội nghị giao ban thanh tra các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra ngày 5.7, thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó chánh thanh tra Bộ Công an, cho rằng mặc dù việc kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định pháp luật, nhưng cơ chế kiểm soát chắc chắn chưa làm được nhiều, kê khai chỉ để kê khai, khi nào có đơn thư tố cáo thì mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không.
“Chúng tôi cũng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, nhưng khi thấy kê khai tài sản lớn chưa có quy định về truy nguyên nguồn gốc, không giải đáp được tài sản đấy lấy từ đâu, nên mới có chuyện nhiều người giải trình từ nuôi lợn, nuôi gà. Vừa rồi lùm xùm ở Yên Bái giải trình như thế nhưng xem giải trình đúng không thì chưa có cơ chế kiểm soát”, ông Xuất nói và đề nghị trong chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2018, cần đưa vào chương trình thanh tra kê khai tài sản đối với những cá nhân, nếu kê khai không đúng sẽ bị xử lý.
|
10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng (tính đến tháng 7.2016)
Cơ quan chức năng xác minh được 4.859 trường hợp.
Phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.
Có hơn 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập.
Có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.
Nguồn: Thanh tra chính phủ
|
Ý kiến:
Truy đến cùng người đề bạt cán bộ có sai phạm
Cán bộ của ta ngoài những công bộc của dân còn liêm khiết, bây giờ cũng không ít người thích sống hưởng thụ, xa hoa, tham lam, vơ vét... Tôi nói thẳng để họ làm được việc đó do cơ quan kiểm tra, giám sát hay lãnh đạo tại đơn vị đó bị vô hiệu hóa hết. Như trường hợp bà Thoa ngoài kê khai tài sản thì ai đề bạt, ai nghiên cứu trình Bộ Chính trị phải truy đến cùng chứ...
Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư)
Nên thu hẹp diện phải kê khai
Cuối cùng, việc công khai tài sản của cán bộ là quan trọng nhất và phải được áp dụng thế nào cho hợp lý. Chúng ta không thể tung toàn bộ tài sản của cán bộ lên mạng nhưng về định hướng nên công khai hơn so với hiện nay. Ví dụ các lãnh đạo cao nhất thì công khai trong Bộ Chính trị, cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý thì công khai trong phạm vi đó... Anh kê khai có một ngôi nhà, vài ba miếng đất nhưng chỉ để ở trong tủ thì ai biết mà giám sát?
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
Minh bạch kê khai tài sản để người dân giám sát
Ông Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban T.Ư MTTQ VN)
Anh Vũ - Thái Sơn (ghi)
|
Bình luận (0)