Cần có chế tài về sách tham khảo

09/04/2010 23:11 GMT+7

Sau sự kiện một vụ phó Vụ THPT, Bộ GD-ĐT đứng ra chủ biên rất nhiều cuốn sách tham khảo (STK) thuộc nhiều môn học khác nhau, dư luận không khỏi bức xúc về cách quản lý và cách làm sách của cơ quan có trách nhiệm.

Hiện nay, ở nước ta, ngoài SGK học sinh bắt buộc phải mua, còn có quá nhiều loại STK. Theo số liệu điều tra của Công ty phát hành sách Hà Nội năm 2008, học sinh phổ thông có tới 3.120 cuốn STK. Cụ thể: lớp 1 có 59 cuốn; lớp 2: 85 cuốn; lớp 3: 109 cuốn; lớp 4: 147 cuốn; lớp 5: 180 cuốn; lớp 6: 202 cuốn; lớp 7: 199 cuốn; lớp 8: 288 cuốn; lớp 9: 357 cuốn; lớp 10: 394 cuốn; lớp 11: 442 cuốn; lớp 12: 148 cuốn… Tình trạng này kéo dài hàng chục năm nay khiến cho bậc phổ thông "bội thực về sách". Đáng nói là những STK này không đúng nghĩa là STK mà chỉ là những sách "dởm" làm nhiễu loạn cho học sinh. Ví dụ: STK phải là những cuốn sách có tính chất nghiên cứu, tra cứu hay phản biện khoa học. Đằng này STK của bậc phổ thông chỉ là sách ăn theo SGK như các loại sách: giải bài tập, hướng dẫn ôn thi… thậm chí có cả loại sách là bài tập cuối tuần! Những sách đó không có tác dụng gì, thậm chí có khi còn làm sai lệch kiến thức phổ thông của học sinh.

Không chỉ vậy, trong số những người đứng ra chủ biên các cuốn sách trên, có cả những người đang trực tiếp làm công tác quản lý của Bộ GD-ĐT. Đây là sự lợi dụng uy tín, núp bóng cơ quan chủ quản để làm sách, kiếm tiền. Họ có thể làm một cách tự do mà không ai kiểm soát, cũng không ai phải chịu trách nhiệm về việc này.

Có thể nói, ở nước ta, ai cũng có quyền viết sách và "ném" vào môi trường giáo dục, điều này khiến thị trường SGK, STK trở lên nhiễu loạn. Tại các nước tiên tiến, không ai thấy SGK phổ thông ở cửa hàng sách, còn ở nước ta hoàn toàn ngược lại, tràn ngập đủ loại sách SGK và STK. Tôi được biết, ở nhiều nước có đưa ra chế tài là phải 10 năm mới in lại SGK một lần, còn ở Việt Nam thì cho đến nay không hề có chế tài nào về SGK, STK nên ngành giáo dục cứ thích lúc nào thay SGK lúc đó và ai  viết cũng được. Riêng về chuyện loạn STK thì đã được phản ánh nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có biện pháp quản lý. Các NXB cứ mạnh ai người ấy làm, miễn là bán được sách. Cục Xuất bản khi cấp phép cũng không thể kiểm soát được chất lượng và nội dung của các cuốn sách này.

 Như báo chí phản ánh, một tác giả chỉ có thể có chuyên môn về một vài lĩnh vực và có thể làm chủ biên cho một vài cuốn sách đúng chuyên môn mà thôi. Một người thì không thể vừa chủ biên sách Toán, Vật lý vừa chủ biên sách Văn, Địa lý... như cách mà ông Nguyễn Hải Châu - Vụ phó Vụ THPT (Bộ GD-ĐT) - đang làm. Nhưng rất tiếc chuyện chế tài về cách làm sách và quản lý sách trong giáo dục ra sao thì chưa bao giờ được trình bày và bàn bạc tại Quốc hội. Theo tôi, đã đến lúc Thủ tướng, Quốc hội phải quan tâm tới vấn đề này. Sách viết cho giáo dục cần phải được kiểm soát và có chế tài,  không thể để các NXB và các tác giả thao túng như hiện nay.

Trả lời chất vấn của các phóng viên về hiện tượng người vừa làm quản lý của Bộ vừa chủ biên nhiều cuốn sách tham khảo với nhiều môn học khác nhau, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Giáo dục trung học phổ thông (Bộ GD-ĐT) - cho hay việc một người có được chủ biên nhiều đầu sách, nhiều môn học hay không cần căn cứ theo Luật Xuất bản. Giáo viên THPT, giảng viên đại học hay cán bộ của Bộ biên soạn sách là do nhà xuất bản làm việc trực tiếp với cá nhân tác giả đó. Vụ Giáo dục trung học là cơ quan quản lý về nội dung, nhưng Cục Khảo thí lại là nơi ra đề thi tốt nghiệp và những người biên soạn những đầu sách này không nằm trong ban ra đề thi. Ông Chuẩn cũng nhấn mạnh: Bộ chỉ ban hành chuẩn kiến thức, không có giới hạn chương trình nên học sinh không nên coi STK do người của Bộ làm chủ biên là giới hạn chương trình.

Vũ Thơ

GS Nguyễn Xuân Hãn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.