Cần có nguyên tắc trích dẫn ngữ liệu sách giáo khoa

21/03/2015 00:00 GMT+7

Lựa chọn tác phẩm hay, có ý nghĩa giáo dục để đưa vào chương trình giảng dạy đã khó, nhưng đưa phần nào của văn bản, trích dẫn như thế nào còn phải thật cân nhắc hơn.

Lựa chọn tác phẩm hay, có ý nghĩa giáo dục để đưa vào chương trình giảng dạy đã khó, nhưng đưa phần nào của văn bản, trích dẫn như thế nào còn phải thật cân nhắc hơn.
Có 2 mục đích dẫn đến 2 hướng đưa văn bản vào sách giáo khoa (SGK). Hướng đưa văn bản vào để làm ngữ liệu cho mục đích dạy học ngữ văn. Hướng lựa chọn dựa trên cơ sở từ tiến trình văn học sử, vị trí, đóng góp của các tác giả để xem xét và lựa chọn tác giả nào nên đưa vào chương trình. Sau đó chọn tác phẩm nào tiêu biểu nhất của họ vào dạy và học. Dù theo mục đích gì cũng cần phải đảm bảo các nguyên tắc: có tính khoa học, phù hợp đối tượng học, có tính giáo dục, phản ánh tinh thần trọng tâm nội dung tác phẩm...
Cái khó ở đây cho người biên soạn SGK là thời lượng của mỗi bài học thì ít (từ 1 đến 2 tiết), trong khi kiến thức trọng tâm lại quá nhiều. Chẳng hạn hầu hết các tác phẩm văn học đưa vào chương trình THPT chủ yếu được dạy và học 2 tiết. Trong khi đó có quá nhiều tác phẩm rất dài. Vậy phải soạn làm sao để chuyển tải được trọng tâm mà không bị cho là cắt xén tùy tiện, đưa ngữ liệu làm sao để không bị cho là không tiêu biểu?...
Theo chúng tôi, cần lấy tiêu chí đặc trưng thể loại tác phẩm để thống nhất một cách soạn, cách trích dẫn. Văn bản thơ và nghị luận thường ngắn, nên trích dẫn toàn bộ văn bản. Nếu gặp những văn bản dài thì cần trích dẫn hết, phần được học in chữ lớn, phần không yêu cầu học nên quy ước chữ in nghiêng, hoặc in nhỏ hơn. Như thế người học có điều kiện tiếp xúc với toàn bộ văn bản. Hoặc nếu không thì chỉ cần trích một phần văn bản tiêu biểu nhất là được. Không nên tách ghép tùy tiện. Với văn bản là tùy bút, bút ký nên có cắt xén, lựa chọn những đoạn văn bản hay để học. Với truyện ngắn nên trích làm sao cho người học thấy được toàn bộ văn bản theo cách: phần nội dung yêu cầu được học thì in chữ lớn, trích thêm phần hấp dẫn (không yêu cầu học) của tác phẩm bằng chữ in nhỏ (hoặc in nghiêng), phần không cần thiết thì viết thêm theo dạng tóm tắt. Soạn như thế người học có điều kiện tiếp xúc với toàn bộ nội dung văn bản. Với tiểu thuyết và văn bản kịch, đây là dạng văn bản có dung lượng tác phẩm rất lớn nên soạn theo cách: giới thiệu tác phẩm, tóm tắt, nêu vị trí đoạn trích và chỉ trích ngữ liệu phần được học.
Việc trích dẫn ngữ liệu dựa theo nguyên tắc trên đem đến nhiều cái lợi. Người soạn chuyển tải được trọng tâm nội dung tác phẩm. Còn người dạy và học có cái nhìn bộ phận và toàn thể của văn bản. Mục đích giáo dục cơ bản và nâng cao cũng có điều kiện thực hiện. Ngoài ra, nó cũng tốt cho người tự học. Thay vì phải tìm kiếm thêm kiến thức về văn bản ngoài SGK để học, thì họ có thể học ngay trong chính các văn bản đã trích dẫn ở SGK...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.