Cần có thời gian phát triển

09/06/2018 08:07 GMT+7

Chủ đầu tư dự án thừa nhận các tuyến buýt thủy hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại hằng ngày của mọi người do tàu buýt mới có 1 tuyến duy nhất.

Khi được hỏi tại sao không sử dụng buýt thủy để đi làm hằng ngày, hầu hết câu trả lời chúng tôi nhận được đều là không thuận tiện, nơi làm việc/học tập không thuận đường, chờ đợi lâu vì có khi tới hết vé, không mua được.
Chủ đầu tư dự án thừa nhận các tuyến buýt thủy hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại hằng ngày của mọi người do tàu buýt mới có 1 tuyến duy nhất. Một người muốn đi từ Q.1 sang Thảo Điền có thể đi buýt thủy nhưng sau đó về Gò Vấp thì phải sử dụng phương tiện khác. Muốn thực sự trở thành tuyến tàu buýt hằng ngày đưa đón khách di chuyển, cần hình thành cả 1 mạng lưới. Điều này phụ thuộc vào hạ tầng, việc xây dựng bến, nạo vét luồng sông, kênh, rạch, tĩnh không cầu, chính sách phát triển. Chính vì vậy phải cần thời gian để phát triển hoàn thiện.
“Hệ thống xe buýt đã hình thành cả trăm năm, hiện trên TP có cả gần ngàn tuyến, móc nối từ tuyến này qua tuyến nọ thành một chuỗi hệ thống mới có thể đẩy khối lượng sử dụng lên cao, ấy vậy mà còn chưa phục vụ xuể nhu cầu đi lại của người dân. Làm sao có thể đòi hỏi một tuyến tàu buýt duy nhất, mới hình thành có thể đáp ứng được. Cái gì cũng cần thời gian phát triển và hoàn thiện”, ông Nguyễn Kim Toản nói.
Chủ đầu tư dự án cũng thông tin trong thời gian tới, DN sẽ phát triển thêm ít nhất 4 tuyến tàu buýt lộ trình kết nối về 4 hướng đông, tây, nam, bắc, mở thêm nhiều bến, tạo thành hệ thống rộng khắp để phục vụ trong phạm vi lớn hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dân.
Đồng tình, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nên nhìn nhận buýt thủy là một phương thức vận tải phụ thêm cho hệ thống vận tải hiện nay của TP, là tuyến đường tắt để kết nối. Không ai phê bình một hệ thống khi nó đang phát triển, quan trọng là tồn tại được và người dân có sự lựa chọn. Tuy nhiên, ông cũng góp ý nếu muốn các tuyến tàu buýt này thật sự trở thành buýt sông, đặt nhiệm vụ phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân, cần nghiên cứu thật kỹ nhiều tiền đề. Đầu tiên và quan trọng nhất là đúng giờ. Khách đi chơi không mua được vé chuyến này có thể lùi lại chuyến sau, nhưng khách đi làm không thể, phải đảm bảo luôn có vé và đúng giờ tuyệt đối. Muốn như vậy, việc mua vé cần phải dễ dàng. Trong trường hợp chưa tăng được chuyến, chủ đầu tư nên tính toán bán vé tháng hoặc tuần theo thẻ cho những người có nhu cầu. Những người sử dụng thẻ sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu, bảo đảm luôn có chỗ và chạy thường xuyên, số ghế dư mới bán cho khách vãng lai. Nếu khách đi làm hằng ngày được tạo điều kiện thuận lợi sẽ hình thành nguồn khách ổn định, thường xuyên. Kế đến, phải đảm bảo vị trí các trạm, bến tàu tiện lợi, có kết nối đến các chỗ chuyển tiếp, có thể là bãi xe, trạm xe buýt, trạm metro... đảm bảo khoảng cách lý tưởng là 400 m - 5 phút đi bộ, không xa hơn 800 m - 10 phút đi bộ. Vị trí các bến cũng phải thuận tiện đi đến các trung tâm như trung tâm thương mại, trung tâm hành chính, các khu nhà cao tầng đông dân cư...
“Buýt thủy cũng như tất cả các hình thức phương tiện giao thông công cộng khác. Muốn người dân bỏ hết phương tiện cá nhân, sử dụng phương tiện công cộng phải đảm bảo đi được mọi nơi. Ví dụ đến nơi không đi tàu được, đầu mối chuyển tiếp sẽ có sẵn phương tiện để khách đi đến vị trí khác thuận tiện nhất có thể, bất kể ở trạm nào”, ông Sơn lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.