Cần công khai về thu, chi học phí

26/12/2008 23:54 GMT+7

Hôm qua 26.12 tại TP.HCM, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã chủ trì Hội nghị kế hoạch và ngân sách năm 2009 dành cho các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tại hội nghị, các trường đã nghe Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long thông báo về một số định hướng kế hoạch và ngân sách năm 2009. Theo đó, Bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 sẽ ưu tiên dành chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ cho các vùng khó khăn, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy.

Tập trung đào tạo ưu tiên cho các ngành kỹ thuật công nghệ, Y, Sư phạm (đối với các trường sư phạm ưu tiên cho những bộ môn còn thiếu giáo viên như: kỹ thuật công nghệ, nhạc, thể dục, mầm non…). Dự kiến chỉ tiêu đào tạo ở bậc ĐH chính quy là 112.200 (năm 2008 là 107.000), CĐ là 18.700 (năm 2008 là 17.000), TCCN là 18.000 (năm 2008 là 16.000)…

Tăng học phí sẽ thỏa thuận với người học

Là một trong 4 trường được chọn để thực hiện mô hình trường công lập tự chủ tài chính, đại biểu trường ĐH Ngoại thương cho rằng nếu học phí không tăng thì kinh phí của nhà trường sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, việc xã hội hóa giáo dục nhưng trong thời gian qua có loại đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu của các doanh nghiệp nhưng lại không được thu thêm vì thanh tra Bộ Tài chính không cho phép. Ngay như các lớp đào tạo cho các chuyên gia Trung Quốc cũng không thu thêm học phí. Trường này đề nghị cho chủ động hơn về học phí theo sự thỏa thuận với người học.

Phát biểu bên lề hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thuấn – Phó hiệu trưởng trường ĐH Mở TP.HCM cho biết, nhà trường giảng dạy theo học chế tín chỉ nên học phí từ năm 1997 đến nay (từ lúc là trường bán công đến hiện nay là trường công lập) đều không thay đổi học phí, mỗi tín chỉ là 60.000 đồng, mỗi năm học tính bình quân sinh viên nộp khoảng 2.800.000 đồng/năm. Hiện nay ĐH Mở TP.HCM đang là trường công lập tự chủ tài chính (không nhận được kinh phí cấp từ Nhà nước) nên theo PGS Thuấn, không thể giảm để còn 1.800.000 đồng/năm như các trường ĐH công lập (được nhận kinh phí từ Nhà nước); mỗi trường đều có kế hoạch chi tiêu tài chính từ trước, trường đang thu theo học phí cũ (bình quân 2.800.000 đồng/năm) mà quỹ vẫn “âm”, không đủ chi phí đào tạo.     

Người học được quyền lựa chọn

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Ngữ cho biết, trong năm 2009 toàn ngành sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học; thực hiện 3 công khai trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để người học lựa chọn và xã hội giám sát, đánh giá. Cần công khai các mặt: chất lượng đào tạo, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thu chi tài chính và 4 kiểm tra (phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục đào tạo;  thu và sử dụng học phí trong các nhà trường; sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường; việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên).

Bên cạnh đó, triển khai xây dựng 4 trường ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế là: ĐH Việt Đức (TP.HCM), ĐH Khoa học Công nghệ (Hà Nội), ĐH Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ. Ngoài ra, thực hiện đề án dạy tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân; triển khai thực hiện Chương trình tiên tiến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.