Cần cù làm nên cơ nghiệp

05/08/2014 09:20 GMT+7

Từ hai bàn tay trắng, nhờ cần cù lao động đã giúp anh Đinh Ngọc Khương (47 tuổi, ngụ xã An Bình, H.Phú Giáo, Bình Dương) tạo dựng được cơ nghiệp khang trang từ mô hình nuôi trồng kết hợp.

Cần cù làm nên cơ nghiệp
Chị Lương Thị Hồng bên trang trại gà của gia đình - Ảnh: Huy Anh

Từ đôi bàn tay trắng

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Định, cả gia đình chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng, cái nghèo khiến anh Khương quyết tâm tìm hướng đi cho bản thân ngay từ thở nhỏ. Rời quê, đi khắp mọi miền từ Tây Bắc xuống miền Trung rồi vào Nam khi mới 15, 16 tuổi và làm đủ nghề: phụ hồ, khuân vác, làm thợ mộc, trồng rừng với mong muốn chỉ đủ cơm ăn và dư dả chút đỉnh gửi về phụ giúp bố mẹ.

Năm 1991, sẵn có nghề mộc trong tay, hai vợ chồng anh vay mượn mở một cơ sở mộc nhỏ tại xã An Bình. Tuy nhiên, làm được 2 năm thì thất bại. Nợ nần khiến anh Khương lại lang bạt khắp nơi để kiếm sống. Đầu năm 2000, khi đã tích lũy được một số vốn nhất định, anh đưa vợ con về lại xã An Bình, mua được 5ha đất trồng cao su và tiêu. May mắn đến với anh chị khi cao su và tiêu năm đó được giá. Từ số tiền thu lời được trong lứa mủ cao su đầu tiên, anh vay mượn thêm và đầu tư mua tiếp 5 ha cao su khác để phát triển kinh tế. “Nếu chỉ làm cao su và tiêu không thì tôi thấy hơi phí đất nên đã đầu tư nuôi heo vào đầu năm 2002. Con heo gắn bó với gia đình tôi được 4 năm thì dịch tai xanh xuất hiện. Vợ chồng tính toán nhiều phương án rồi mới quyết định học kỹ thuật chăn nuôi gà theo hướng trại hở. Cùng với đó là nuôi ếch và cá trê”, chị Lương Thị Hồng (41 tuổi), vợ anh Khương chia sẻ.

Cần cù làm nên cơ nghiệp
Anh Đinh Ngọc Khương bên trại gà 9 ngày tuổi của gia đình - Ảnh: Huy Anh

Mô hình nuôi trồng tổng hợp

Hiện tại, trại gà hở với bốn 4 dãy chuồng có sức chứa khoảng 40.000 con gà. Khu chuồng nuôi ếch và cá trê cũng khoảng 50.000 con, được anh chị đầu tư bài bản về chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc. Tất cả đều được anh chị nuôi xoay vòng để tiện cho việc chăm sóc và tiêu thụ.

Anh Khương cho biết thêm, đầu năm 2007, gia đình anh đầu tư 2,5 tỉ đồng làm trại gà hở và nhận nuôi gà gia công cho một doanh nghiệp  ở  Đồng Nai. Sau khi đã có kinh nghiệm nuôi gà trại hở cũng như tìm được thị trường tiêu thụ, anh Khương quyết định ký kết mua con giống tại Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (chi nhánh Củ Chi) và tự lo thị trường tiêu thụ. Kết hợp với nuôi gà, anh nuôi thêm ếch và cá trê. “Nhờ có trại gà hở này mà khi mủ cao su rớt giá, gia đình tôi vẫn đảm bảo kinh tế và thu nhập cho công nhân trang trại”, anh Khương cho hay.

Theo anh Khương, để tránh các loại dịch bệnh, ngoài việc vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng và khử trùng thường xuyên theo khuyến cáo của ngành thú y thì kinh nghiệm của người chăn nuôi là rất quan trọng. “Những năm gần đây dịch cúm gia cầm lây lan khá mạnh nên người nuôi muốn tránh bệnh cho gia cầm thì phải chăm sóc kỹ. Giấc ngủ và phân của gà giúp người nuôi quan sát để tìm hiểu xem gà có bệnh hay không ” anh Khương chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Cường- Hội trưởng Hội nông dân xã An Bình cho biết anh Khương là một trong những nông dân sản xuất giỏi của xã. “Trang trại nuôi trồng của gia đình anh không chỉ tao công ăn việc làm cho người lao động địa phương mà còn là nơi học tập kinh nghiệm của nông dân trong vùng cũng như sinh viên thực tập đến từ các trường đại học”, ông Cường nói.

Huy Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.