Căn cứ tên lửa Mỹ gần Nga 'sắp hoạt động’

Văn Khoa
Văn Khoa
11/12/2023 20:15 GMT+7

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm nay 11.12 cho hay căn cứ tên lửa Mỹ được xây dựng ở miền bắc Ba Lan sẽ 'hoạt động' từ ngày 15.12.

"Phía Mỹ vừa thông báo cho chúng tôi rằng vào ngày 15.12, trong vài ngày nữa, lá chắn phòng thủ tên lửa ở Redzikowo sẽ đạt tới khả năng hoạt động", Thủ tướng Morawiecki nói về căn cứ tên lửa Mỹ trước các nghị sĩ Ba Lan.

Căn cứ tên lửa nói trên nằm ở làng Redzikowo thuộc miền bắc Ba Lan và cách vùng Kaliningrad của Nga khoảng 250 km, theo AFP.

Hơn 10.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân ở Ba Lan, một thành viên NATO ở sườn phía đông của liên minh này và là một trong những nước ủng hộ nước láng giềng Ukraine chống lại chiến dịch quân sự của Nga.

Căn cứ tên lửa Mỹ gần vùng Kaliningrad của Nga 'sắp hoạt động’ - Ảnh 1.

Căn cứ tên lửa Mỹ ở làng Redzikowo thuộc miền bắc Ba Lan sắp được đưa vào hoạt động

Chụp màn hình Yahoo.com

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ và NATO cho hay căn cứ tên lửa ở Redzikowo được xây dựng để chống lại mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, đặc biệt là từ Trung Đông. Tuy nhiên, dự án căn cứ do Mỹ xây dựng ở Ba Lan bị Nga chỉ trích là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, theo AFP.

Căn cứ Redzikowo, dự án lần đầu tiên được công bố vào năm 2009, dự kiến sẽ có 24 tên lửa SM-3 được phóng từ mặt đất cũng như một số hệ thống phòng không. Một cơ sở tương tự của Mỹ đã đi vào hoạt động ở Romania, cũng là thành viên NATO và giáp với Ukraine.

Điểm xung đột: Thủ tướng Israel phản ứng lập trường của Nga; xe tăng tiến váo cứ điểm Hamas

Trước đó, Phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski vào tháng 4.2022 tiết lộ với một tờ báo Đức rằng đất nước ông "sẵn sàng" chứa vũ khí hạt nhân Mỹ. Ông Kaczynski nói việc triển khai tên lửa ở sườn phía đông của NATO là hành động "có ý nghĩa" và sẽ "gia tăng đáng kể khả năng răn đe trước Moscow".

Ông Kaczynski không phải là người đầu tiên nêu ý tưởng trên. Trong năm 2020, một quan chức Mỹ ở Ba Lan đã đưa ra đề xuất tương tự, kêu gọi tái bố trí vũ khí hạt nhân Mỹ đã được triển khai đến Đức. Giới lãnh đạo Mỹ cho đến nay vẫn từ chối hành động theo đề xuất đó, theo Đài RT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.