Cần đa dạng hóa thành phần sở hữu tập đoàn

17/09/2010 00:45 GMT+7

Trong định hướng lớn về phát triển kinh tế nêu trong dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH mà Đảng ta vừa công bố đã có khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo...”.

Vậy làm thế nào để bảo đảm được vai trò chủ đạo của Nhà nước nhưng vẫn phát huy được vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT), là vấn đề cần được phân tích nghiêm túc để các TĐ, TCT thực sự là nắm đấm chiến lược của nền kinh tế trong thời gian tới?

Đầu những năm 90, tôi và anh Đỗ Quốc Sam (Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư) được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao chủ trì tham mưu soạn thảo văn bản để trình Thủ tướng ký thành lập các TCT 91 (thí điểm thành lập TĐ) với mong muốn tạo ra những nắm đấm kinh tế chiến lược làm cứ điểm, trọng tâm đưa nền kinh tế đi lên. Ý tưởng chiến lược để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, đẩy nhanh tiến độ Công nghiệp hóa - hiện đại hóa bằng các nắm đấm kinh tế là rất đúng đắn, nhưng đi bằng con đường nào để ra được nắm đấm chiến lược đó thì qua thực tiễn hoạt động cho thấy tồn tại nhiều vấn đề. Bởi, khi thành lập các TCT 91, chúng ta chủ yếu nhìn vào yêu cầu hơn là xuất phát từ sức mạnh tích tụ của chính các doanh nghiệp (DN). Sai lầm xuất phát điểm ở việc tổ chức các TĐ bằng giải pháp hành chính, tức là cộng tất cả các DN trong ngành ấy lại thành một tổ chức. Đó là sự kết hợp cơ học chứ không phải kết hợp hữu cơ, trong khi đúng ra phải theo tuần tự tích lũy của DN rồi phát triển dần, sau đó mới tập trung hóa bằng cách để các DN cạnh tranh lẫn nhau; anh nào mạnh thì lớn lên, kém thì bị đào thải.

Cần dứt khoát khẳng định KTNN cần và có thể được xây dựng dần trở thành lực lượng “chủ đạo” trong định hướng phát triển nền kinh tế nước ta, chứ không phải xây dựng nhiều DN nhà nước với 100% vốn thuộc sở hữu của Nhà nước

Trong khi đó thì cũng thành lập TĐ để làm đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước nhưng Hàn Quốc và nhiều nước khác lại không tập hợp các quốc doanh lại, mà Chính phủ đứng đằng sau, tạo rất nhiều điều kiện để hình thành TĐ tư nhân. Chính vì vậy mà TĐ Samsung và một số thương hiệu lớn khác của Hàn Quốc ra đời tuy mới vài ba chục năm nhưng đã nổi tiếng khắp thế giới...

 Sau khi cải cách đến năm 1990, thậm chí đến 2001 - 2005 rồi, chúng ta vẫn chưa thoát được chuyện: chỉ cổ phần hóa những cái nhỏ nhỏ, còn những cái được coi là “nắm đấm kinh tế” thì không cổ phần hóa. Đến bây giờ cũng không rõ ràng lắm. Nhiều chuyên gia kinh tế khi phát biểu tại các hội thảo bàn về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới cũng đều cho rằng nếu không đổi mới tư duy về việc này thì cải cách kinh tế rất khó.

Để phát huy được sức mạnh của các TĐ, TCT với tư cách là các nắm đấm chiến lược về kinh tế, Nhà nước chỉ nên định hướng, quản lý bằng cách ban hành các định chế, thể chế để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế phát triển, bằng đơn đặt hàng, bằng những ưu đãi khác cần thiết chứ không phải bằng việc nắm lấy cái sở hữu. Bởi khi đã nắm lấy sở hữu thì Nhà nước phải can thiệp, phải dấn sâu vào, không tạo ra được sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đồng vốn, dẫn tới thất thoát, lãng phí... và các hệ lụy khác. Vì vậy, nếu không cải tiến mô hình hoạt động các TĐ theo hướng đa thành phần sở hữu sẽ dẫn tới sức mạnh TĐ sẽ bị hạn chế, dễ rơi vào nguy cơ thua lỗ, thất thoát và vai trò của nó sẽ không phát huy như mong muốn.

Giải bài toán đa thành phần sở hữu TĐ, TCT nhà nước phải làm một cách có bài bản: một là kết hợp với tư nhân trong nước vào trong một “nồng độ” thích hợp; hai là bản thân phía quốc doanh cũng phải đi bán cổ phần ra để đa sở hữu hóa ngay cái của mình; ba là thu hút những người khác cộng lại thành TĐ đa sở hữu. Và đương nhiên phải theo cơ chế thị trường, phải cạnh tranh, mà ngay bản thân nội bộ TĐ cũng có quyền cạnh tranh với nhau để không bị triệt tiêu động lực phát triển.

GS-TS Phan Văn Tiệm nguyên là Ủy viên T.Ư Đảng khóa VI, VII; Bộ trưởng Phụ trách một số vấn đề kinh tế của Chính phủ; Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 1990 - 1996; Phó chủ tịch Hội đồng Tài chính tiền tệ quốc gia...

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thay đổi mô hình TĐ theo hướng đa thành phần sở hữu nhưng vẫn bảo đảm “kinh tế nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo” như trong dự thảo văn kiện ĐH XI khẳng định? Trước hết cần dứt khoát khẳng định KTNN cần và có thể được xây dựng dần trở thành lực lượng “chủ đạo” trong định hướng phát triển nền kinh tế nước ta, chứ không phải xây dựng nhiều DN nhà nước với 100% vốn thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu chưa xác định sự rõ ràng giữa quan niệm “KTNN giữ vai trò chủ đạo” với quan niệm “DNNN 100% sở hữu của nhà nước giữ vai trò chủ đạo theo định hướng XHCN trong nền kinh tế nước ta” thì vẫn có thể tạo ra bất cập trong thực hiện đường lối phát triển nhiều thành phần kinh tế ở nước ta cũng như thực hiện quan điểm KTNN giữ vai trò chủ đạo.

Sự thật thì KTNN là một phạm trù rộng lớn hơn rất nhiều so với phạm vi DNNN (có 100% vốn sở hữu nhà nước). KTNN cần được hiểu là một tập hợp sức mạnh kinh tế từ các định chế luật pháp, định chế tài chính (như Ngân sách NN, Ngân hàng NN, các quỹ quốc gia, toàn bộ tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu của nhà nước) chứ không phải chỉ đóng khung trong số tài sản đăng ký của các DNNN. Sức mạnh của KTNN còn được nhân lên gấp bội để làm vai trò chủ đạo, định hướng (XHCN) bởi sức mạnh quản lý điều hành của hệ thống chính trị, quyền lực quốc gia của nhà nước.

Cũng phải nói thêm, vấn đề sở hữu quốc doanh hay không quốc doanh chỉ là phương tiện để xã hội phát triển, để tăng phúc lợi, để dân giàu lên, nước mạnh lên, đó là phương tiện để đến mục đích chứ không phải là mục đích cần đạt tới. Nếu xem là mục đích thì đừng đụng đến nó, còn nếu xem là phương tiện thì hình thức sở hữu nào làm dân giàu lên được, nước mạnh lên được thì ưu tiên sử dụng. Cái đích của chúng ta là phải có hàng loạt TĐ lớn mạnh lên bằng sức mạnh tự thân nó thì cần đa sở hữu; đấy là chưa kể, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nếu chúng ta không đa sở hữu thành phần TĐ, TCT thì sẽ bị động nhiều mặt.

Trên đây là một nội dung cần được xem xét thấu đáo để có quyết định mang tính đột phá trong cương lĩnh cũng như chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới.

GS.TSKH Phan Văn Tiệm
Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.